Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT) cho biết, chiều 16/12, bão Rai tiếp tục mạnh lên thành cấp siêu bão, với sức gió mạnh nhất là cấp 16, giật trên cấp 17. Vị trí lúc 16h ngay 16/12, bão hoạt động trên vùng biển Philippines, là một cơn bão rất mạnh và có bán kính gió mạnh trên cấp 6 rộng khoảng trên 300km.
“Đến chiều tối 17/12, bão Rai sẽ suy yếu nhưng vẫn giật tới cấp 14 và đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021. Mặc dù bão giảm cấp nhưng vẫn là cơn bão rất mạnh, hiếm gặp trong thời gian trở lại đây”, ông Năng nhận định.
Theo ông Năng, vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão Rai (số 9) là khu vực phía Đông giữa Biển Đông, trong đó có cả khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Vì vậy trong vòng 24 – 48h tới tàu thuyền nếu còn hoạt động trong khu vực này cần nhanh chóng tìm nơi tránh trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực ảnh hưởng.
Dự báo, bão số 9 sẽ di chuyển theo hướng Tây và Tây Tây Bắc trong 24-48h tiếp theo và khi vào tới kinh tuyến 110-111 bắt đầu có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc, hướng về quần đảo Hoàng Sa và hướng tiếp về phía Trung Quốc.
“Nguy cơ bão có thể ảnh hưởng đến khu vực phía Nam (Bình Thuận – Cà Mau) là thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu có rất nhiều kịch bản có khả năng xảy ra, kịch bản lớn nhất sẽ di chuyển lên phía Bắc. Nếu có diễn biến mới chúng tôi sẽ cập nhật tình hình ngay lập tức”, ông Năng nhận định.
Ông Năng lưu ý: “Đây là một cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh kết hợp với không khí lạnh, xuất hiện gió mạnh trên biển vì vậy cần tập trung ứng phó kịp thời, nhất là trên tuyến biển”.
Theo thống kê, có 6 cơn siêu bão trong 50 năm trở lại đây xuất hiện trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương. Đây là trường hợp hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây.
“Có thể thấy biến đổi khí hậu làm thay đổi nhiều dẫn tới các hiện tượng bất thường xuất hiện ngày càng nhiều vì vậy chúng ta cần hết sức cảnh giác và có biện pháp ứng phó”, ông Năng nhấn mạnh./.