Trước đợt mưa lũ vừa qua, mặc dù Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, đơn vị và nhân dân tăng cường các biện pháp ứng phó, không lơ là, chủ quan nhưng vẫn còn trường hợp người dân vẫn chủ quan di chuyển trong mưa lũ lớn, đánh cá, vớt củi trên sông, đi qua các ngầm, tràn bị ngập sâu... xảy ra một số tai nạn rất đáng tiếc. Trong đó, có 1 trường hợp bị chết do bị nước lũ cuốn trôi tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành và 3 ngư dân mất tích tại cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn vào rạng sáng 23/10.

Hiện, khu vực cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn vẫn có sóng lớn nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã huy động thêm ca nô, 4 tàu cá và gần 150 người mở rộng tìm kiếm quanh khu vực Hòn Ông, cửa biển Sa Cần.

Hôm nay (25/10), nước lũ đã rút, các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi huy động lực lượng hỗ trợ người dân vùng lũ dọn dẹp nhà cửa, xử lý vệ sinh môi trường, khắc phục các công trình dân sinh bị hư hỏng… Mưa lũ vừa qua làm hơn 11.000 nhà dân ở các địa phương bị ngập sâu, nặng nhất là huyện Bình Sơn với 6.500 nhà.

Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tinh Quảng Ngãi cho biết: “Trên tinh thần chung là vận động bà con trước mắt, dọn dẹp vệ sinh đảm bảo môi trường cũng như các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh và tập trung khắc phục những công trình kênh mương thủy lợi, hồ đập. Hiện nay, lượng sa bồi, thủy phá rất lớn, tập trung kiểm tra các công trình để tiếp tục ứng phó với đợt mưa tới đây”.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt qua tỉnh Quảng Ngãi có 34 vị trí bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều tuyến tỉnh lộ, liên huyện, liên xã và hàng chục cầu bị nước lũ gây hư hỏng, cuốn trôi…

Ông Đinh Tấn Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông Quảng Ngãi cho biết, đơn vị tập trung phương tiện, nhân lực khắc phục đảm bảo thông tuyến toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất.

 “Toàn bộ những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do Trung ương uỷ thác, chúng tôi chúng tôi bố trí lực lượng cảnh giới tại những điểm còn ngập nước. Một số vị trí bị cầu cống trôi, sụp ách tắc giao thông thì chúng tôi đã cảnh báo rào chắn và khẩn trương tập kết thiết bị, con người, vật tư khắc phục nhanh để đảm bảo thông tuyến. Những tuyến sạt lở taluy âm, taluy dương thì bố trí phương tiện khắc phục nhanh, sẽ thông tuyến toàn bộ, trừ những đoạn còn ngập sâu”, ông Đinh Tấn Dũng nói./.