Từ sáng 23/10 đến sáng nay, mưa lớn liên tục tại khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam. Mưa lớn cộng với việc hồ thủy lợi Phú Ninh xả lũ điều tiết đã khiến nhiều khu vực tiếp tục ngập sâu. Tại huyện Thăng Bình, 3 xã dọc Quốc lộ 1A như Bình An, Bình Tú, Bình Trung gần như ngập toàn bộ.

Theo ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, hiện khu vực xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2 ngập sâu. Tại thôn Bà Bầu, xã Tam Xuân 2 có 40 hộ dân bị chia cắt. Sáng nay, chính quyền địa phương đang đưa phương tiện vào để di dời người dân đến nơi an toàn. 

“Tuyến đường từ thị trấn Núi Thành đi xã Tam Quang xuất hiện điểm sạt lở lớn, làm đổ 5 trụ điện, ngang cách tuyến đường. Hiện các lực lượng đang được huy động để tiến hành khai thông trong khi chờ Sở Giao thông đưa lực lượng vào khắc phục”- ông An nói.

Tại thành phố Tam Kỳ, đa số các xã, phường khu vực Đông Tam Kỳ đều ngập sâu từ đêm qua. Chị Nguyễn Thị Tiền, phường Tân Thanh, thành phố Tam Kỳ cho biết, nước dâng quá nhanh khiến rất nhiều gia đình không kịp ứng phó.

“3 giờ sáng dậy là thấy nước vào nhà mất phân rồi, nước vô ngập máy giặt, tủ lạnh ướt hết trơn. Phải dọn giường, bưng kê đồ lên cao cho khỏi ướt, dọn xong là 4 giờ 30 phút. Quá vất vả luôn, năm nào cũng vậy hết, khổ quá".

Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, hiện rất nhiều xã, phường tại Tam Kỳ bị ngập sâu. Thành phố Tam Kỳ đã di dời gần 1.500 nhân khẩu đến nơi an toàn, nhiều khu vực ngập sâu như phường Phước Hòa đã phải di dời hơn 80% nhân khẩu.

“Nước vẫn tiếp tục đang dâng, đặc biệt khu vực các xã, phường vùng Đông Tam kỳ phía dưới đường Phan Châu Trinh trở xuống ngập sâu từ 0,3 đến 1,2 m. Một số nơi như phường Phước Hòa ngập đến 70%. Tam Kỳ đã triển khai di dời dân khu vực ngập lụt đến nơi an toàn từ 17 giờ chiều hôm qua (23/10) hết rồi”- Chủ tịch TP Tam Kỳ nói.

​Ông Hồ Quảng Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã chủ động triển khai các phương án đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân. Tại khu vực miền núi, chủ động ứng phó với lũ quýet, sạt lở đất có thể xảy ra.

“Chúng tôi yêu cầu các địa phương gấp rút đánh giá lại toàn bộ tình hình, chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, máy móc thiết bị. Làm sao đó nếu có cô lập thì người dân đủ lương thực từ 1 đến 2 tháng. Khi bị sạt lở thì các phương tiện phải có mặt để thông đường ngay”- ông Bửu nhấn mạnh./.