Hôm nay (27/10) là ngày thứ 4 liên tiếp tôm hùm và cá nuôi lồng, bè trên vịnh Xuân Đài, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chết rải rác.
Trước đó, ngày 24/10, khi mưa lớn xảy ra, lũ từ thượng nguồn sông Tam Giang đổ về vịnh Xuân Đài khá mạnh, mật độ ô xy hoà tan trong nước xuống thấp đột ngột, khiến gần 8.500 con tôm hùm lớn nhỏ bị chết. Ngoài ra, khoảng 1,2 tấn cá chủ yếu là cá mú và cá bóp của hơn 20 hộ dân địa phương cũng bị chết hàng loạt.
Ông Bùi Văn Khánh, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên than phiền: "Có người 5- 7 tạ tôm chết. Nhà tôi tôm cá chết hết sạch, chết bán hổng được, thối hết rồi. Nước dưới đáy bị hư, xì lên thiếu oxy nó chết".
Tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có gần 83.000 ô lồng tôm hùm và các nuôi lồng bè, mật độ lồng nuôi rất dày. Mùa mưa bão, việc di chuyển lồng nuôi đi các vùng biển an toàn rất khó thực hiện. Để tránh tôm hùm bị sốc nước ngọt khi lũ đổ về vùng nuôi, trước mùa mưa bão, người dân thường chọn cách dìm lồng xuống sâu cách đáy tầm 1m- 1,5m. Tuy nhiên, khi dìm lồng xuống sâu, gặp hiện tượng tảo tàn, nồng độ hydro sunfur tăng khiến mật độ ô xy hoà tan trong nước xuống thấp dưới 2mg/lít sẽ làm tôm hùm chết đột ngột.
Giá thu mua tôm hùm xanh khá cao, hơn 800 ngàn đồng/kg, tôm hùm bông là 1,4 triệu đồng/kg. Nếu mưa bão xảy ra thiệt hại sẽ rất lớn. Hiện, tôm chưa đủ kích cỡ thương phẩm ở thị xã Sông Cầu còn khá lớn. Khi mưa lớn kéo dài, người nuôi tôm hùm sẽ còn gặp nhiều rủi ro mà chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Trạm trưởng Trạm Thú ý thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên khuyến cáo: “Thứ nhất là theo dõi lồng nuôi. Thứ hai là điều chỉnh độ sâu cho nó hợp lý. Nếu tôm cá đạt kích cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch đi tại vì trong mùa mưa bão này giữ lại rất là nguy hiểm"./.