>> Cận cảnh F0 ở Phú Thọ được điều trị COVID-19 tại nhà

Hơn 2 tuần phát hiện ca mắc COVID-19 mới (từ ngày 14/10/2021), đến 6h sáng 7/11, toàn tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận hơn 1.000 F0. Đánh giá nguy cơ vùng dịch, Phú Thọ đang ở cấp độ 2- màu vàng.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ khẳng định, các lực lượng chức năng không hề bị động trước diễn biến mới và phức tạp của dịch COVID-19. Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, BSCKII Trần Minh Khánh cho biết, tỉnh đã lên kịch bản sẵn sàn ứng phó khi số ca mắc tăng lên 5.000 người hoặc cao hơn.

PV:Phú Thọ đã có những kịch bản phòng, chống dịch như thế nào trong tình hình mới hiện nay?

Ông Trần Minh Khánh: Chúng tôi đã xây dựng kịch bản ứng phó với 5 cấp độ dịch, trong đó, cấp độ cao nhất có thể lên tới 5.000 ca mắc. Có thể nói, với đợt dịch lần này, hệ thống chính trị, hệ thống y tế tại Phú Thọ đều không bị bất ngờ. Tất cả đều có trong phương án ứng phó của tỉnh. Do vậy, khi dịch bệnh lan rộng, Phú Thọ đã kích hoạt 2 bệnh viện dã chiến cấp tỉnh, 5 bệnh viện dã chiến cấp huyện, đồng thời thành lập một loạt các trạm y tế lưu động, cho phép các F0 đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế được cách ly và điều trị tại nhà. 

Chúng tôi cũng triển khai thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh tại các địa bàn nguy cơ cao để nhanh chóng lọc ra các F0 để có biện pháp cách ly, điều trị.

PV:
Khi tình hình dịch cả nước được kiểm soát ổn định, Phú Thọ lại xuất hiện và bùng phát tới 1.000 ca mắc, vậy tỉnh có gặp khó khăn nào trong ứng phó dịch hay không? 

Ông Trần Minh Khánh: Chúng tôi đã có sẵn các phương án, kịch bản từ trước và đã xác định đến một thời điểm nào đó dịch có thể xuất hiện và bùng phát ở bất cứ địa phương nào. Với đáp ứng tình hình, chúng tôi bám sát và thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 128, theo đó, khoanh vùng hẹp nhất có thể, truy vết thần tốc nhất có thể, xét nghiệm nhanh nhất và rộng nhất có thể. Tỉnh cũng có một số quy định riêng chặt chẽ hơn phù hợp với tình hình dịch của địa phương.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn có một số khó khăn trong truy vết các đối tượng khi có một số lượng lớn người về từ vùng dịch. Tất cả các lực lượng từ công an, quân đội đến y tế đã phải căng mình để xác định người về để triển khai ngay các biện pháp giám sát y tế.

PV: Nếu dịch vượt quá 5.000 ca thì Phú Thọ có biện pháp ứng phó thế nào? Tại sao tỉnh chỉ đặt kịch bản 5.000 ca trong khi nhiều địa phương đặt kịch bản ứng phó 10.000, 20.000 đến 30.000 ca?

Ông Trần Minh Khánh: Tỷ lệ tiêm chủng tại Phú Thọ khá cao, với khoảng 70% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 và trên 10% đã tiêm mũi 2. Thứ hai, công tác truy vết, xét nghiệm được triển khai khá bài bản.

Tất nhiên, vẫn có khả năng ca mắc vượt quá con số 5.000, khi đó, chúng tôi khởi động tất cả các bệnh viện dã chiến cấp huyện và một số bệnh nhân sẽ cho cách ly tại xã và điều trị tại nhà. Thực tế, tỷ lệ tiêm chủng cao thì số F0 diễn biến nặng không nhiều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhân ca bệnh nặng, số ca mắc chỉ ở mức độ vừa… Đồng thời, trang thiết bị y tế, test kit, máy thở, oxy y tế… đã được chuẩn bị kỹ càng cho tình huống xấu nhất. 

Ngoài ra, Phú Thọ được Bộ Y tế cho triển khai Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 vùng, với quy mô 120 giường bệnh và có thể mở rộng 250 giường. Hiện nay, trung tâm này đã hoàn thành cơ bản các hạng mục và đã vận hành được một số giường bệnh. Nên chúng tôi rất tự tin ứng phó, kiểm soát dịch.

PV:Xin cảm ơn ông!./.