Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục, tới giáo viên, học sinh tại tất cả các địa bàn trên cả nước. Theo đó, học sinh trong thời gian qua đã chuyển trạng thái sang học trực tuyến, học qua truyền hình.
Sau Nghị quyết 128 hướng dẫn tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đã có sự hợp chặt chẽ, đồng thời, ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể. Bộ GD-ĐT đã có Văn bản 4726 gửi các địa phương, với mong muốn cụm từ “thích ứng an toàn” sẽ được các địa phương triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn rõ ràng về xác định cập độ dịch để thầy cô và các em học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Bà Ngô Thị Minh cho rằng, việc học trực tuyến, học qua truyền hình kéo dài đã ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và yêu cầu đặt ra cho chương trình giáo dục năm học 2021-2022, theo đó, chất lượng giáo dục có những ảnh hưởng nhất định.
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu, về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục diễn ra chiều 8/11, do Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT chủ trì, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, những tiêu chí về đảm bảo an toàn trường học đã được 2 Bộ đặt ra và đang tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí, quy định an toàn, ban hành Sổ tay COVID-19 trong nhà trường…
Với Bộ GD-ĐT, việc xác định chính xác cấp độ dịch, để quyết định đưa học sinh trở lại trường là vấn đề còn nhiều khó khăn. Theo đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa học sinh trở lại trường. Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo với Chính phủ để có giải pháp đảm bảo an toàn và quyền của học sinh khi đi học trực tiếp.
“Tôi đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành từ cấp Bộ đến Sở và cấp Phòng GD-ĐT để tham mưu cho UBND các tỉnh, thành. Có cần thiết tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao nhận thức cho các thầy cô giáo, cho học sinh, sinh viên và nâng cao nhận thức cho cả phụ huynh về các vấn đề đang đặt ra hiện nay như tiêm chủng vaccine, hướng dẫn đeo khẩu trang phù hợp, việc bố trí phòng học an toàn? Sự phối hợp giữa ngành y tế và ngành GD-ĐT để đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục đều có nhân viên y tế túc trực để cùng phối hợp xử lý khi có phát hiện F0 tại trường học”, bà Minh nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh, phải đảm bảo học sinh không bị sang chấn tâm lý khi dịch xâm nhập vào nhà trường. Cần có đề xuất, có quy định gì từ phía các địa phương cho quy trình hướng dẫn xử lý khi có học sinh là F0 hay có ca nghi mắc trong trường học, để giáo viên và phụ huynh có cách ứng xử, tránh tâm lý kỳ thị với học sinh F0 khi quay trở lại trường.
Từ các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, lãnh đạo ngành giáo dục và y tế cũng nêu những vấn đề khó khăn thực tế khi đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp. Trong đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ Nguyễn Phúc Tăng cho biết, vẫn có những ý kiến phụ huynh chưa yên tâm khi cho con trở lại trường, nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng cho con tiêm chủng… Hay khi phụ huynh và học sinh đều đồng tình việc trở lại học trực tiếp, thì sẽ có vấn đề về quy định học sinh đeo khẩu trang trong lớp nhất là với trẻ mầm non...
Về phía Bộ Y tế, Cục Quản lý môi trường y tế đã có hướng dẫn khẳng định: “Phải đảm bảo an toàn mới đi học và khi đi học phải an toàn”.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn công tác khử khuẩn trường học. Cụ thể, các trường học phải tiến hành khử khuẩn các trang thiết bị: Bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy… 2 lần/ngày; vệ sinh sàn nhà, phòng học, phòng chức năng; khu vệ sinh; thiết bị giáo dục; đồ chơi, dụng cụ học tập… đặc biệt bố rí đủ thung đựng rác, thu gom, xử lý hàng ngày.
Các tình huống xử trí cụ thể cũng được đặt ra, trong đó, với tình huống khi có các trường hợp nghi mắc COVID-19, nhà trường sẽ ngay lập tức thông báo cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh. Đồng thời, thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời.
Đặc biệt, các đơn vị không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển trường hợp nghi mắc đến cơ sở y tế.
Tình huống có học sinh mắc COVID-19 trong trường, thì ngay lập tức phải phong toả tạm thời toàn bộ trường học. Đồng thời, thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp chống dịch, rà soát ngay để phát hiện toàn bộ học sinh, giáo viên người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong trường học và đang ở trong cộng đồng. Tổ chức ngay cách ly tạm thời tại trường học ca bệnh nghi ngờ và tổ chức lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng.
“Nhà trường cần tiến hành truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng. Tại trường học, tách ngay F1 ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định; tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1, lấy mẫu F1 lần đầu theo mẫu đơn. Đối với cán bộ, giáo viên, học sinh là F1 đang ở cộng đồng, yêu cầu ở yên tại nơi lưu trú và thông báo ngay cho y tế cơ sở để xử lý…”, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nhấn mạnh./.