Để trường học mở cửa đón học sinh trở lại an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp từ ứng phó khi phát hiện F0 trong lớp học đến lên phác đồ điều trị cho các ca mắc là học sinh, trẻ em. Theo đó, khẳng định mục tiêu phòng, chống dịch hiệu quả, theo hướng khoanh nhỏ khi phát hiện F0 trong lớp học, đảm bảo trường học vẫn tiếp tục mở cửa an toàn.
Tại cuộc họp chiều 8/2 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo kinh nghiệm từ đầu dịch, trẻ em là nhóm đối tượng khi mắc COVID-19 có khả năng chuyển nặng và tử vong thấp. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tử vong khi số ca mắc quá nhiều. Do vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ lây nhiễm bệnh cùng lúc.
“Tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em không cao và tỷ lệ tử vong thấp, nhưng nếu không có các kịch bản phòng, chống khi có ca mắc sẽ gây ra dư luận và lo lắng từ phía phụ huynh. Phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là học sinh trong độ tuổi đi học đang được Bộ Y tế nhanh chóng rà soát và xây dựng, để đảm bảo năng lực điều trị từ các bệnh viện Trung ương tới địa phương. Bộ Y tế cũng tập trung vào phản ứng, sự phối hợp của y tế học đường với y tế cơ sở như thế nào để đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Tại cuộc họp các chuyên gia cũng cho rằng, dù đã tiêm vaccine, nhưng công cuộc chống dịch nói chung vẫn phải lường đến tình huống xấu, với khả năng xuất hiện biến thể mới của virus có thể lây nhanh hơn, có độc lực mạnh hơn ngay từ cộng đồng trong nước. Đây là yếu tố nguy hiểm nhất với các nỗ lực phòng, chống dịch.
Khi 20 triệu học sinh cả nước đồng loạt đến trường, phải lường trước khả năng số trẻ em mắc COVID-19 tăng cao. Bởi thực tế, trẻ em khó thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch như 5K… Đặc biệt lưu ý vòng lây nhiễm dịch từ trẻ em trong nhà trường về gia đình.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Trung Cấp, dự báo trường hợp khi trường học mở lại, trẻ em đi học có thể nhiễm bệnh nhưng bị nhẹ hoặc không triệu chứng, tuy nhiên, có thể lây nhiễm bệnh cho người già, trẻ nhỏ tuổi hơn hoặc mẹ đang mang thai ở nhà. Đây là những đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine COVID-19, theo đó, có nguy cơ cần tới cơ sở y tế để điều trị, đặc biệt là phụ nữ mang thai mắc COVID-19.
“Tình huống nguy hiểm là trẻ mắc COVID-19 có bệnh nền. Do vậy, cần chuẩn bị sẵn sàng năng lực điều trị tại các khoa nhi. Cần giảm thiểu tối đa trường hợp bệnh nhi mắc COVID-19 tử vong, bởi sẽ dẫn đến tâm lý hoang mang và khiến phụ huynh ồ ạt đưa con vào bệnh viện, dẫn đến tình trạng quá tải. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đang nâng cao năng lực hồi sức nhi”, ông Cấp nói.
Đánh giá ý kiến các chuyên gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, cuộc chiến chống dịch COVID-19 đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, đặc biệt trong đó là bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Nhất là khi trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện, trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh đều chưa được tiêm vaccine và nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh đòi hỏi kỹ năng chăm sóc khó hơn, cũng như cần đặc biệt chú ý hơn.
“Chúng ta đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vaccine, trong đó tiêm vaccine cho nhóm đối tượng học sinh để đưa các em trở lại trường. Theo đó, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để đảm bảo an toàn trường học, đặc biệt tuấn huấn, diễn tập nhuần nhuyễn kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học, nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa không làm ảnh hưởng hoạt động sinh hoạt trong cộng đồng và hoạt động học tập trong nhà trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế rà soát và có hướng dẫn điều trị riêng cho trẻ em mắc COVID-19, theo 2 tầng là tự theo dõi, chăm sóc tại nhà và thứ hai là khi phải nhập viện điều trị. Bộ Y tế căn cứ ý kiến chuyên gia đưa ra cuộc họp để tổ chức tập huấn cho tất cả các y bác sĩ chuyên khoa nhi, đồng thời, có hướng dẫn chỉ đạo tăng cường bảo vệ Khoa nhi tại các bệnh viện trên cả nước.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tình huống nhiều sản phụ mắc COVID-19 khi sinh thì trẻ sẽ thành F1, theo đó, cần các khu vực chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh tại các bệnh viện. Trong tình huống này cần kêu gọi sự tham gia của các tình nguyện viên, theo đó, đào tạo trước để sẵn sàng nhân lực chăm sóc khi trẻ ra đời./.