NSND Tuyết Mai tên thật là Bùi Thị Thái, sinh năm 1925 tại Cát Hải –Hải Phòng. 12 tuổi bà theo gia đình lên Hà Nội... Sau Cách mạng Tháng 8, Bùi Thị Thái tình nguyện ra nhập phụ nữ cứu quốc và hoạt động sôi nổi trong các phong trào cách mạng.

Ca sĩ Bùi Thị Thái đã từng hát cổ động cho Tuần lễ vàng của chính phủ, cổ vũ động viên đồng bào chiến sĩ vượt qua thử thách, một lòng ủng hộ Việt Minh. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ca sĩ Bùi Thị Thái cũng đã tham gia phục vụ các thương bệnh binh, bộ đội và dân công nơi chiến tuyến. Tuy nhiên, ca sĩ Bùi Thị Thái cứ tiếp tục ca hát Đài TNVN đã không có một phát thanh viên kiệt xuất phục vụ cho công cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước.

Năm 1958, đánh dấu một bước ngoặt tình cờ nhưng lại rất quan trọng trong cuộc đời của ca sĩ Bùi Thị Thái - giọng đọc của Tuyết Mai chính thức xuất hiện trên sóng phát thanh. Chống Pháp, rồi chống Mỹ, đất nước trải qua nhiều biến cố, gian nguy, Đài TNVN khi đó trở thành một phương tiện truyền thông vô cùng quan trọng, một vũ khí sắc nhọn chiến đấu với kẻ thù, một nguồn động viên khích lệ quan trọng đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Chẳng thế mà vào những năm kháng chiến chống Mỹ, một lần Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu sau khi nghe giọng đọc của một nữ phát thanh viên (PTV) Đài TNVN trên làn sóng điện đã tức tối quát mắng ầm ĩ các PTV của Đài phát thanh ngụy quyền “Hãy bỏ cái giọng ẽo ợt ấy đi, nghe xem bọn cộng sản nó đọc như thế nào”. Nguyễn Văn Thiệu còn nói, nếu bắt được người phát thanh viên ấy, việc đầu tiên là phải cắt lưỡi. Và PTV Đài TNVN đã khiến cho Nguyễn Văn Thiệu phải tức tối và lo ngại ấy chính là NSND Tuyết Mai.

Chuyện ấy y hệt như Hitlle đã phát khùng lên khi nghe giọng đọc của Levitan, một PTV nổi tiếng của Đài Mát-xcơ- va trong Đại chiến thế giới lần thứ 2. Hắn từng tuyên bố nếu chiếm được Mát-xcơ-va người đầu tiên phải truy nã và treo cổ là Levitan. Nhưng cả Hittle và Nguyễn Văn Thiệu đều không thể thực hiện được lời tuyên bố của mình.

Những năm tháng chống đế quốc Mỹ cứu nước, những giọng đọc như của Nghệ sĩ Tuyết Mai thực sự có một sức mạnh tinh thần to lớn, một sức mạnh chính trị.

Rất nhiều người cho rằng NSND Tuyết Mai là người có một giọng đọc biến hóa, đầy sức chinh phục, sang sảng hào khí trong các bài bình luận, xã luận, có lửa trong những tin chiến thắng, các mệnh lệnh chiến đấu quan trọng của Đảng và Nhà nước, tăng thêm sức mạnh cho tiền tuyến và hậu phương, thúc giục kẻ lầm bước quay đầu trở về.

Theo NSƯT Hà Phương thì NSND Tuyết Mai có ba đặc điểm nổi bật: Bà là người có chất giọng rất đặc biệt, một chất giọng rất khó tìm ở âm vực nữ trung, vang và rất mềm. Nhưng chất giọng trời cho đó cũng chỉ giống như 1% trí thông minh sẵn có của các nhà khoa học, còn 99% là lao động. Và nghệ sĩ Tuyết Mai đã lao động một cách khó nhọc và âm thầm.

Nghệ sĩ Tuyết Mai còn có một thuận lợi là có một hậu phương gia đình làm nghệ thuật, và từ bệ phóng ấy giọng đọc của bà có thể bay cao hơn. Những năm về trước, giọng đọc của Tuyết Mai thường xuất hiện trong các chuyên mục “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” “Chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc”, 90% các chương trình “Phát thanh văn nghệ”, “Buổi đọc truyện đêm khuya”, “Tiết mục Tiếng thơ”.

Những nhân vật cấp cao viết xã luận, những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, những nhà báo viết bút ký chính luận đều mong có giọng đọc Tuyết Mai thể hiện hiện tác phẩm. Không chỉ bởi cái giọng trời phú, chuẩn trong cách phát âm mà còn ở cái cách thể hiện rõ ràng, mạch lạc, rất đúng, rất riêng đối với từng thể loại.

Trong một hội nghị về ngôn ngữ học, Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Đài TNVN cần phải là chuẩn mực về cách phát âm của một ngôn ngữ chuẩn mực cho cả nước. Có một giọng nói đạt đến mức chuẩn mực mà tôi công nhận đấy là giọng chị Tuyết Mai”. Thời ấy, những tin tức quan trọng, những buổi tường thuật có ý nghĩa của đất nước, giọng đọc Tuyết Mai và một, hai giọng đọc khác thường được giao phó và gửi gắm. Tin thắng trận đầu tiên của Miền Nam  hoàn toàn giải phóng, tin Bác Hồ mất là những kỷ niệm khó quên trong đời phát thanh viên của NSND Tuyết Mai.

Không hề được đào tạo PTV, chỉ là tự học nhưng khi nói đến NSND Tuyết Mai, rất nhiều người đồng ý rằng  NSND Tuyết Mai đã khai mở cho lối đọc biểu cảm, một lối đọc văn chương cho các thế hệ phát thanh viên sau này. Là một giọng đọc văn nghệ hiếm có nhưng khi văn nghệ, khi chính luận –hai thể loại rất đối lập, rất khó thể hiện qua một giọng đọc, được xử lý một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn qua giọng đọc của Tuyết Mai.

Một đóng góp quan trọng không thể không kể đến của NSND Tuyết Mai, đó chính là những lời xướng trên nền nhạc hiệu. Riêng lời xướng cho “buổi đọc chuyện đêm khuya” và “Tiết mục Tiếng thơ” đã 40 năm trôi qua, Đài TNVN chưa tìm được giọng đọc thay thế.

Nhưng để có được thương hiệu ấy, NSND Tuyết Mai cũng phải đổ nhiều mồ hôi, nỗ lực cho một thương hiệu, nỗ lực vì sự trông đợi và yêu mến của nhiều thế hệ thính giả. Cái nghề cứ tưởng nắng không tới mặt, mưa không tới đầu, hóa ra cũng đầy nhọc nhằn. Cứ nghĩ chỉ cần tròn vành, rõ chữ thôi là đủ, ai dè như người làm dâu trăm họ, áp lực của thời gian, của khen chê, sự kỳ vọng của người viết, trách nhiệm của người làm nghề, đọc làm sao để giải mã những chiêm nghiệm của cuộc đời gói trong từng trang viết, đọc làm sao để những trái tim đến với trái tim, để con người nghĩ về nhau mà sống cho đẹp đời đẹp đạo, điều đó thật chẳng dễ dàng gì.

NSUT Hà Phương từng tâm sự: "Tuyết Mai không bao giờ ngồi dưới cái quạt trần để tránh gió, bà giữ gìn trong sinh hoạt, ăn uống, đi đứng để lúc nào cũng có được một giọng đọc bình ổn, ở mức âm thanh đẹp nhất. Tuyết Mai còn thường xuyên đọc sách. Lúc nào trong túi của bà cũng có một cuốn sách, mọi người thường gọi đùa bà là “con mọt sách”, nhưng cũng chính nhờ thế mà giọng đọc của Tuyết Mai luôn đến từ một chiều sâu văn bản.

NSƯT Phan Phúc –chồng của NSND Tuyết Mai thì kể rằng “vợ tôi tập thể dục rất đều đặn, tập theo phương pháp thở của các ca sĩ và rất chú trọng nghe lại các băng thu thanh của mình để rút kinh nghiệm. Trước mỗi giờ thu thanh, bà đều đánh dấu từng chỗ ngắt hơi, lấy hơi. Tuyết Mai rất yêu nghề mà mình đã lựa chọn”.

Một phát thanh viên có tiếng từng nói: “Phát thanh viên là những nghệ sĩ biểu diễn trên làn sóng. Đọc làm sao để mọi con chữ đều biết reo lên tiếng nói của đời sống” Và để những con chữ biết reo, biết cười, thậm chí biết khóc, các phát thanh viên của Đài TNVN đã phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là NSND Tuyết Mai. Là một trong những phát thanh viên xuất sắc nhất của nền phát thanh nước nhà, NSND Tuyết Mai được mời tham gia giảng dạy, huấn luyện cho những phát thanh viên của Đài quốc tế như NHK của Nhật bản hay Đài tiếng nói nước Nga. Bà cũng là người thầy của của rất nhiều thế hệ phát thanh viên từ Trung ương đến địa phương...

Cách đây gần 10 năm, chúng tôi, các phóng viên của kênh truyền hình VOV (VOVTV) được phân công đến làm phim về bà cho chuyên mục “Người và nghề”. Sức đã yếu, mắt đã mờ nhưng khi biết có các đồng nghiệp trẻ đến thăm bà vẫn ngồi dậy, chải tóc làm duyên vì với bà... cứ nhìn thấy máy quay, nhìn thấy micro là phải chỉn chu. Dù đã 90 tuổi nhưng bà vẫn đọc cho chúng tôi một đoạn để ghi hình. Dù đã rất run, hơi đã yếu nhưng trước những con chữ, nghệ sĩ Tuyết Mai lại trở về sự tinh anh, trở về với những say mê thủa nào và giọng đọc ấy vẫn có một sức cuốn hút kỳ lạ....

Hôm nay 5/3/2022, bà đã theo mây trắng về trời... Nhưng với bao thế hệ phóng viên, phát thanh viên của Đài TNVN, các đài PTTH tỉnh, thành phố và thế hệ thính giả, thì giọng nói ấy còn mãi trong niềm thương, nỗi nhớ. Còn mãi một giọng đọc vàng Tuyết Mai./.