Dự án điện gió Amacao giai đoạn 1 do Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh làm chủ đầu tư trên diện tích hơn 97.000m2 đất tại xã vùng núi cao Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Suốt mấy tháng nay, đơn vị thi công bạt núi, mở đường, múc đất để lắp trụ tuabin, làm một khối lượng lớn đất đá trên núi cao tràn xuống bồi lấp diện tích đất sản xuất của người dân. Theo phản ánh của người dân địa phương, khu vực này trước đây là trang trại tổng hợp trồng rừng bảo vệ đầu nguồn kết hợp với chăn nuôi gia súc với diện tích gần 10 héc ta. Hiện đã có gần 4 héc ta bị lấy làm bãi thải đổ đất đá phục vụ thi công các dự án.
Ông Dương Phận, ở thôn Tân Hữu, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, sau mỗi trận mưa là bùn đất sạt lở vùi lấp đất ruộng, ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn nước sinh hoạt của bà con: “Bên kia có một khe nước đã bị sạt xuống lấp hết rừng. Ruộng nước này cũng đã bị lấp, nhưng cũng sợ sạt tiếp sẽ lấp hết đám ruộng này. Ở đây có 2 con suối, con suối bên kia, tập trung toàn bộ dân của làng Cheng. Nếu 2 con suối này lấp thì làng Cheng không có đất, không có nước uống".
Tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông hiện có 29 dự án điện gió được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư, trong đó 26 dự án đang triển khai thi công. Nhà đầu tư tập trung nhân lực, phương tiện thi công rầm rộ, cố gắng hoàn thành trước tháng 11/2021 để được hưởng ưu đãi giá bán điện của Chính phủ. Kết quả kiểm tra mới đây của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cho thấy, quá trình thi công các dự án điện gió chưa đảm bảo an toàn. Nhiều vị trí có nguy cơ làm mất ổn định mái dốc, quá trình thanh thải đất đá làm thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước mặt. Các tuyến đường công vụ thiếu hệ thống thoát nước, nguy cơ sạt trượt gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy, gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất khó lường.
Ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc, huyện Hướng Hóa cho biết, địa phương có 4 dự án điện gió đang thi công. Hầu hết dự án nằm trên núi cao, quá trình thi công, các đơn vị chưa chú trọng đến giải pháp chống sạt lở đất, ảnh hưởng đến cuộc sống các hộ dân ở dưới chân núi: "Tất cả các đồi đang đổ bãi thải, mùa mưa tới nguy cơ sạt lở cao, thế nào cũng tràn về các khe suối, ruộng lúa, ao cá và hoa màu của bà con. Chúng tôi lo lắng nhất phía trên là đồi núi cao, dưới có một số hộ dân ở".
Tỉnh Quảng Trị hiện có 30 xã, thị trấn nằm trong diện nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, chủ yếu ở 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Tỉnh này cũng có 27 xã, thị trấn đang đối mặt với nguy cơ sạt lở núi, đất đá. Trong khi đó, hầu hết các dự án điện gió đều nằm trên núi cao, dễ xảy ra sạt lở, đe dọa cuộc sống bà con. Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị yêu cầu yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND tỉnh tập trung rà soát, khẩn trương hoàn thành Đề án tổng thể phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, đánh giá tổng thể tác động môi trường của các dự án điện gió.
UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án xử lý các bãi thải đất đào đặt trụ tua bin, chống sạt lở đất, xử lý gia cố những đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão, có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị không xem xét việc cấp chủ trương đầu tư các dự án điện gió mới: “Khi tổ chức các dự án điện gió có nhiều nguy cơ về sạt lở đất. Yêu cầu các chủ đầu tư điện gió phải xây dựng được kế hoạch phòng chống thiên tai, sạt lở đất, thực hiện nghiêm đề án đánh giá tác động môi trường. UBND tỉnh kiên quyết xử lý đối với các chủ đầu tư, các dự án không thực hiện nghiêm đảm bảo đúng đề án đánh giá tác động môi trường"./.