Dọc ven biển tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà hàng chục tàu cá của người dân bị sóng đánh hư hỏng nặng, may mắn không có thiệt hại về người.

Sáng 31/3, khu vực ven biển phía bắc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có mưa to, gió lốc làm nhiều tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu bị chìm, hư hại. Trong đó, xã Đại Lãnh có 11 tàu, xã Vạn Long có 14 tàu. Đây là số tàu cá không đi đánh bắt, đang neo đậu gần các khu dân cư ven biển. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền huyện Vạn Ninh huy động lực lượng, xe cẩu cứu hộ các tàu cá. Tuy nhiên, việc cứu nạn các tàu thuyền bị chìm gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu, sóng lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Ý, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, sự cố tàu cá bị chìm lần này khá bất ngờ vì không phải xảy ra trong mùa mưa bão. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực trục vớt tài sản của người dân trên tàu cá.

“Bất ngờ quá, chỉ trong vòng 20 phút chứ mấy, hình thái thời tiết cực đoan như này nghĩ là dông lốc. Mưa lớn bắt đầu nổi dông lên, gió mạnh, bà con trở tay không kịp. Chiếc dạt vô bờ thì kéo ra lại, một số kéo lên bờ, những chiếc hư thì kéo lên bờ cho bà con để bà con lấy lại tài sản”, ông Ý nói.

Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên có trên 50 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, hư hỏng, chủ yếu ở thành phố Tuy Hòa và huyện Tuy An. Tại xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, sau trận lốc xoáy sáng nay có 20 tàu, thuyền bị sóng đánh chìm, hơn 2.000 bè nuôi tôm hùm giống bị ảnh hưởng, 2 người nuôi tôm mất tích.

Chiều nay, gần 100 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang của huyện Tuy An đã có mặt tại thôn Hội Sơn, xã An Hòa Hải giúp người dân khắc phục hậu quả của lốc xoáy. Lực lượng địa phương cùng một số doanh nghiệp đang thi công tuyến kè ở xã An Hòa Hải dùng máy múc kéo được 2 chiếc tàu bị sóng đánh chìm lên bờ. Chờ khi biển êm trở lại tiếp tục cử lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ ngư dân đưa số tàu, thuyền bị chìm lên bờ. UBND huyện Tuy An đã yêu cầu các địa phương thống kê thiệt hại và đề xuất hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất, đánh bắt thủy sản trở lại.

“UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rồi và các lực lượng huy động các xe cẩu, các phương tiện khác để trục vớt kéo các tàu lên bờ. Sau khi đưa lên bờ, đưa vào nơi an toàn thì tiến hành các biện pháp hỗ trợ sửa chữa để cho người dân khôi phục và hoạt động trở lại”, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết.

Tại tỉnh Bình Định, mưa to kèm theo sóng lớn cao từ 2- 4m xuất hiện gần bờ biển thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn đã làm 27 chiếc ghe bị sóng đánh chìm. Đến chiều nay, ở thành phố Quy Nhơn đã giảm mưa, lực lượng chức năng xã Nhơn Lý và thành phố Quy Nhơn đang hỗ trợ ngư dân đưa tàu thuyền neo đậu an toàn để tránh thiệt hại./.