Mặc dù chỉ mới chớm hè nhưng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 40 độ C làm cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân đảo lộn, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Vào buổi trưa, người dân hạn chế ra ngoài nên đường phố trở nên vắng vẻ. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, người lao động phải tự thay đổi lịch làm việc cho phù hợp với tình hình thời tiết.
Ông Nguyễn Cảnh Hợp, làm nghề thợ xây tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, phải liên tục làm việc ngoài trời, trời nắng nóng cũng ảnh hưởng rất lớn công việc và sức khỏe: "Tôi là công nhân phải làm việc ngoài trời suốt nên phải làm việc từ sớm để nghỉ sớm chứ tầm 10 giờ là nắng nóng lắm rồi. Trời nắng thế này mồ hôi ra nhiều nên phải uống nhiều nước để bù đắp nước, và phải tìm chỗ râm mát nghỉ ngơi".
Tại thành phố Đà Nẵng, có những ngày nhiệt độ lên tới 38 độ C, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Đang trong giai đoạn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, người dân hạn chế ra đường nên càng cảm thấy bức bối. Đường phố Đà Nẵng vào buổi trưa rất vắng, chỉ có những người lao động, lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên ở ngoài trời. Dù thời tiết nắng nóng nhưng mọi người phải luôn đeo khẩu trang để phòng dịch nên càng vất vả.
Mọi năm, tại công viên, bãi biển... là nơi người dân thường tìm đến để tránh nắng nóng. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, thành phố hạn chế tụ tập đông người, một số hoạt động vui chơi, giải trí, tắm biển phải tạm dừng để chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Đồng, ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho biết, vì dịch bệnh không thể đi tắm biển để tránh nóng nên rất khó chịu: "Mọi năm chưa có dịch, mùa hè bãi biển Đà Nẵng đông vui, nhộn nhịp, người lớn đến trẻ em ra tắm mát mẻ. Vì tình hình dịch bệnh nên tất cả phải dừng hết để tránh lây lan dịch bệnh. Nắng nôi mà dịch bệnh này nữa thì vất vả rồi".
Nắng nóng kéo dài, sông suối, hồ chứa thủy lợi xuống thấp, tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội địa ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân một số tỉnh miền Trung. Tại thành phố Đà Nẵng, nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn ảnh hưởng đến nguồn nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ. Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng phải sử dụng nguồn nước dự phòng từ đập dâng An Trạch để cấp nguồn nước thô cho nhà máy này. Thành phố Đà Nẵng cũng phối hợp với tỉnh Quảng Nam đắp đập tạm trên sông Quảng Huế ở huyện Đại Lộc ưu tiên nguồn nước đưa về sông Vu Gia để giải hạn cho Đà Nẵng và vùng hạ lưu Bắc Quảng Nam.
Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện, một số hồ thủy lợi mực nước xuống thấp nên công ty phải cắt giảm tưới cho hơn 150ha sản xuất nông nghiệp, ưu tiên nguồn nước tưới chống hạn cho huyện Duy Xuyên. Công ty cũng khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, tưới theo kiểu khô ướt xen kẽ, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ gieo sạ, không đổ ải 2 lần trên một diện tích.
Nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã tăng cường lực lượng tuần tra, ứng phó với cháy rừng.
Ông Hà Phước Phú, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, từ tối 1/6 Cục Kiểm lâm vùng IV sẽ tăng cường lực lượng và phương tiện chữa cháy đến đóng tại Trạm Kiểm lâm Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ địa phương phòng cháy chữa cháy rừng.
“Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thường xuyên tổ chức trực báo và theo dõi trên các trang thông tin cảnh báo cháy rừng. Liên lạc thường xuyên với các đơn vị tổ chức, rà soát và nắm bắt thông tin kịp thời để tổ chức phòng cháy. Tăng cường lực lượng là đội kiểm lâm cơ động số 1 và số 2 phải thường xuyên đi tuần tra", ông Hà Phước Phú nói./.