Điều đáng nói là trong quá trình xử lý vụ việc xuất hiện nhiều tình tiết bất ngờ, như diện tích bị phá không phải là rừng cùng những mập mờ về đơn vị quản lý diện tích này.

Có mặt tại tiểu khu 726, thuộc địa bàn xã biên giới Ia Dal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum dễ dàng nhận ra khu vực 17ha người dân triệt hạ cây rừng để lấy đất sản xuất. Trong khu vực này cây rừng bị chặt hạ không thương tiếc. Từ cây nhỏ bằng cánh tay đến cây lớn người ôm không hết, vẫn ngổn ngang trên thực địa. Dấu vết tại hiện trường cho thấy những cây gỗ lớn, có giá trị đã bị cắt khúc, xẻ miếng vận chuyển đi nơi khác.

Trên phần lớn diện tích 17 ha này, người dân đã trồng sắn và điều. Trong đó, có khoảnh điều đã vài năm tuổi, cũng có diện tích mới phá, mới trồng. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia H’Drai khẳng định, diện tích 17ha này thuộc sự quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy. “Theo số liệu kiểm kê rừng năm 2014 và diễn biến rừng năm 2020 thì diện tích 17ha này là thuộc về Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy quản lý đã chuyển đổi để trồng cao su”- ông Tuấn cho hay.

Như vậy theo chính quyền và ngành chức năng huyện Ia H’Drai thì 17ha này nằm trong diện tích 6.000ha Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy thuê, đồng nghĩa với việc rừng đã được chuyển đổi, tận thu gỗ trước khi giao đất cho doanh nghiệp nên 17ha bị người dân phá không thể gọi là rừng. Đây cũng chính là cơ sở để chính quyền xã Ia Dal, Hạt kiểm lâm và UBND huyện Ia H’Drai khẳng định 17ha bị phá không phải là rừng.

Thế nhưng, phóng viên làm việc với Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy,  ông Đỗ Thanh Nam, Tổng Giám đốc Công ty lại khẳng định, đất không thuộc sự quản lý của Công ty.  “Diện tích 17ha này là diện tích nằm ngoài diện tích Công ty quản lý, tức không phải là diện tích của Công ty. Rõ là như vậy đó, chắc là nhầm lẫn. Diện tích này không phải diện tích Công ty quản lý. Khẳng định như thế”- ông Nam khẳng định.

Việc 17ha rừng ở xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum bị triệt hạ để lấy đất sản xuất nông nghiệp đã được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang chỉ đạo làm rõ từ đầu tháng 6. Song gần 1 tháng đã trôi qua, thông tin của các đơn vị liên quan vẫn luẩn quẩn và mập mờ. Tuy nhiên, sự thật không thể phủ nhận ở đây là rất nhiều cây rừng bị triệt hạ, đốt phá tan hoang và sự việc kéo dài đã lâu mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời./.