“Rối bời vì tính linh hoạt trong các quy định” - chuyện này không mới. Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, những hệ lụy nổi lên, tác động tới đa số người dân, ở hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực, chuyện… thành vấn đề - được lên tiếng rộng rãi, gây tranh cãi từ đời sống, đến Nghị trường Quốc hội.
Ví dụ vượt trội là những hoạt động kiểm soát, cách ly y tế bất quy luật - “bắt cóc bỏ đĩa”, với nhiều hài hước và hệ lụy.
Từ trước tới nay, nhắc đến hai chữ linh hoạt người ta thường nhìn nhận đó là sự ứng biến nhanh, điều chỉnh kịp - thích nghi mọi hoàn cảnh. Những quy định thành văn cũng xuất hiện yếu tố này - như một điều kiện cần cho phát kiến, sáng tạo - kỳ vọng hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Bảng phân loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI có thể coi là ví dụ điển hình. Nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh nào linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật, tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi; năng động, sáng tạo giải quyết các vấn đề mới phát sinh và điều chỉnh được thái độ-trách nhiệm của cán bộ công quyền với người dân-doanh nghiệp, kinh tế tỉnh, thành đó đi lên, đặc biệt là thu hút đầu tư.
Cho đến khi đại dịch COVID-19 ập tới. Vì chưa tiền lệ, tất cả bối rối - rơi vào vòng luẩn quẩn. Sự linh hoạt, bỗng chốc khôn lường, đi kèm-tiềm ẩn những rủi ro.
Câu chuyện “luồng đỏ-luồng xanh vận tải” là bài học gần nhất, được bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng dẫn chứng-diễn giải ngắn gọn và sinh động: “Lưu thông hàng hóa - mỗi tỉnh có quy định khác nhau. Khảo sát từ tháng 4,tháng 5 với các doanh nghiệp cho thấy: từ Kiên Giang muốn đến An Giang, gặp chốt Tri Tôn không qua được, phải vòng 250km đến Long Xuyên để giao hàng. Bạc Liêu không cho giao trực tiếp. Lâm Đồng thì được tập kết và vận chuyển nhiều khâu. Chính phủ trao quyền các địa phương thích ứng nhưng các địa phương lựa chọn cách thức cụ thể thế nào thì không đồng bộ”.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ước tính, thực tế đó tiếp diễn, doanh nghiệp nội ngành thiệt hại mỗi ngày ít nhất 100 tỷ đồng
Bộ Giao thông vận tải tức tốc mở “luồng xanh”, hỏa tốc phát công văn đề nghị ngành y tế phối hợp hướng dẫn, giảm thiệt hại. Ngành Y tế lại dựng “đèn đỏ” - duy trì kiểm tra, kiểm soát y tế tại các chốt, đợi “nghiên cứu, xem xét”.
Ai cũng có lí do, thể hiện… trách nhiệm cao độ!
Hàng loạt Nghị quyết ra đời, từ 116, 105, tới Nghị quyết 128 kết hợp quyết định 4800 từ Bộ Y tế - cho phép mở cửa lại trường học và đi lại giữa các vùng, trừ vùng đỏ. Những tưởng đã có giải pháp cho mọi vấn đề, khâu thực thi lại đầy “luẩn quẩn”, như dẫn chứng của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng: “Một điều rất lạ là Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất toàn quốc có màu vàng, cam, xanh, đỏ tùy cấp độ dịch, nhưng mỗi tỉnh, mỗi nơi lại quy định khác nhau, lại có màu xanh nước biển, màu trắng, màu xanh lá. Các địa phương cũng khác nhau, trái với quy định của Bộ Y tế khi hướng dẫn người tiêm vaccine theo dõi sức khỏe tại nhà. Rồi Bộ Y tế thì quy định đi lại là không phải trình xét nghiệm nhưng mỗi nơi thì đang làm một kiểu”.
Tương tự, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chỉ mặt - đặt tên “sự linh động theo quy định, đang gây nhiều phiền nhiễu và thiệt hại”: “Quy định đến nay, F1 vẫn quy định cách ly 14 ngày. Bộ Y tế không có quy định nào yêu cầu cách ly 21 ngày. Riêng Hà Nội hiện vẫn yêu cầu cách ly tập trung và cách ly 21 ngày. Có lẽ thời gian tới họ cũng phải thay đổi cho phù hợp với quy định chung, giảm thiệt hại”.
Quy định nhưng lại cho phép linh động ứng biến là nguyên do mọi vấn đề, trong khi tính trách nhiệm thường rất dễ lung lay - cân đong với sự sợ trách nhiệm. Khi được phép linh động mà sợ trách nhiệm thì sự an toàn thường sẽ được duy trì theo nghĩa bóng. Trong khi chiều hướng tích cực phải là ngược lại, sự linh động đi kèm với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả mới thuận như kỳ vọng.
Quy định là quy định - cần sự tuân thủ. Dấu “3 chấm” (...), dấu “vân vân” (.v.v.) - hay tính linh động, rõ ràng không nên xuất hiện trong các văn bản pháp quy, bởi thực tiễn cho thấy, những phát kiến, sáng tạo thì ít, những góc nhìn, cách hiểu và hành động bất tương xứng thì nhiều - lợi bất, cập hại - đúng kiểu bắt cóc bỏ đĩa. Bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại càng cần nhìn nhận rõ, định dạng cụ thể về “tính linh hoạt trong quy định pháp luật”./.