Chiều 10/5, Thường trực Thành uỷ họp với UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng chống dịch Covid -19, lãnh đạo các sở, ngành Thành phố và quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bí thư Thành uỷ Hà Nội - Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại cuộc họp bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc mới và tử vong liên tục gia tăng trong 9 tuần liên tiếp. Tại châu Á, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Campuchia, Lào... 

Tại Việt Nam, từ ngày 27/4/2021 đến nay cả nước ghi nhận 411 ca mắc mới tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều tỉnh giáp ranh địa bàn Thành phố. Lũy tích từ năm 2020 đến nay ghi nhận 3.412 ca mắc, 35 ca tử vong. Tại Hà Nội, từ ngày 29/4/2021 đến nay ghi nhận 46 ca mắc ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện (Thường Tín, Đông Anh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Thanh Oai, Hai Bà Trưng).

Thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dịch

Bà Hà nhấn mạnh, với sự thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dịch kịp thời, đến nay đã cơ bản kiểm soát được lây nhiễm từ các chùm ca bệnh liên quan tới Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, ca bệnh Ấn Độ, chuyến bay VN160. 

Cụ thể, chùm ca bệnh tại Hà Nam 3 F0, 96 F1; phong tỏa 2 khu vực tại huyện Đông Anh với 2.251 người . Từ ngày 1/5/2021 đến nay không ghi nhận ca mắc mới . 

Chùm ca bệnh tại Vĩnh Phúc: 2 F0, 12 F1, phong tỏa 4 khu vực trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Mê Linh, Sóc Sơn với 1.949 người. Từ ngày 7/5/2021 đến nay không ghi nhận ca mắc mới.

Liên quan tới ca bệnh là người Ấn Độ cư trú tại Times City ( Bộ Y tế ghi nhận là ca nhập cảnh tại Hải Phòng): 0 F0, 22 F1, phong tỏa tòa nhà Park 10 Times City, quận Hoàng Mai với 2.500 người .

Liên quan tới ca bệnh trên chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng đến Hà Nội: 2 F0 , 63 F1, phong tỏa 1 khu vực tại quận Bắc Từ Liêm với 53 người. Từ ngày 7/5/2021 không ghi nhận ca mắc mới.

Liên quan tới thành phố Đà Nẵng: 12 F0, 468 F1, phong tỏa 2 khu vực tại huyện Thường Tín và Bệnh viện Melatec từ ngày 6/5/2021 với 402 người. Đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kiểm soát theo chu kỳ lây nhiễm, tận dụng tối đa 48 giờ vàng trong công tác phòng chống dịch . 

Liên quan tới chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh có 11 F0, 217 F1, phong tỏa 7 khu vực tại huyện Đông Anh, Phúc Thọ từ ngày 6/5/2021 với 2.993 người.

Liên quan tới chùm ca bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều: 2 F0, 71 F1, phong tỏa 6 khu vực tại huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, quận Thanh Xuân từ ngày 7/5/2021 với 5.748 người 

Liên quan tới chùm ca bệnh tại Bắc Ninh (các ca bệnh tại Bắc Ninh có liên quan tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) 14 F0, 122 F1, phong tỏa 4 khu vực tại các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, quận Hà Đông, Hai Bà Trưng từ ngày 6/5/2021 với 5.630 người. 

“Liên quan tới ổ dịch của 2 Bệnh viện và đặc biệt là từ ổ dịch tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang là mối quan ngại lớn, số ca mắc vẫn tiếp tục được ghi nhận, vì vậy cần tập trung giải pháp để nhanh chóng kiểm soát nguồn lây từ các ổ dịch này”, bà Hà nhấn mạnh.

Nguy cơ các ca mắc mới trong cộng đồng vẫn cao

Ngành Y tế nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới và các nước láng giềng trong khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong không ngừng tăng lên. Tại Việt Nam, đợt dịch này đã ghi nhận nhiều ca mắc tại nhiều địa phương, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. Chủng virus lần này là các biến thể của Ấn Độ, Anh, Nam Phi có tốc độ lây lan rất nhanh.

Các ca bệnh tại Hà Nội đều xác định được nguồn lây truyền, tuy nhiên nguy cơ phát sinh thêm các ca mắc mới trong cộng đồng trong Thành phố vẫn rất cao bởi 4 nhóm nguy cơ chính, gồm: chùm ca bệnh tại Gia Lâm và các ca mắc mới có liên quan đến ổ dịch tại Thuận Thành - Bắc Ninh; mầm bệnh từ ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có số ca mắc mới liên tục gia tăng tại 8 địa phương có địa bàn giáp ranh (Bắc Ninh 89 ca - riêng huyện Thuận Thành có 77 ca mắc; Vĩnh Phúc 52; Bắc Giang 37; Hưng Yên 19; Hà Nam 16; Thái Bình 6; Hải Dương 4; Hòa Bình 4); lượng người quay trở lại Thành phố làm việc và học tập rất lớn (theo thống kê có khoảng 20.000 người Hà Nội đến Đà Nẵng, nơi hiện nay đang ghi nhận 48 ca mắc ngoài cộng đồng).

Trước mắt, Hà Nội vẫn đang triển đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên với các nhận định dự báo, Thành phố vẫn cần phải chuẩn bị các kịch bản trong trường hợp tiếp tục phát sinh, ghi nhận các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"

Về nhiệm vụ thời gian tới bà Hà cho hay, Thành phố tiếp tục tập trung vào 9 nội dung trọng tâm. Theo đó, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhanh hơn, hiệu quả hơn, phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng trong công tác tuyên truyền với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng ”, huy động sự tham gia cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền phòng , chống dịch COVID-19. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; không ra khỏi nhà khi không cần thiết; khai báo y tế theo quy định, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.

Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không cần thiết, với các sự kiện chính trị nếu phải tổ chức chỉ bố trí tối đa 50 % chỗ ngồi và phải giãn cách tối thiểu 2m; không tụ tập ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch trên các phương tiện giao thông công cộng, sắp xếp hành khách ngồi giãn cách 2m và không vượt quá 50% số ghế ngồi. Thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Các cửa hàng ăn uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m . Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh các bệnh viện chỉ được bán hàng đem về, riêng khu vực Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều tạm dừng hoạt động (căn cứ thực tế địa bàn UBND các quận, huyện, thị xã xác định phạm vi áp dụng); rà soát các khu trọ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trong khu vực này.

Khẩn trương, thần tốc truy vết đến cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các trường hợp F1, quản lý nghiêm ngặt các trường hợp F2 theo quy định. Cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong thời gian ngắn nhất. Xét nghiệm sàng lọc cho người dân tại các khu vực có nguy cơ/khu vực có ổ dịch diễn biến phức tạp nhằm phát hiện sớm ca bệnh, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch . 

Siết chặt quản lý các khu cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây từ khu cách ly ra cộng đồng 

Đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở khám chữa bệnh. Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về Bệnh viện an toàn và Phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế.

Các đơn vị từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại, điều chỉnh phương án phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị ... chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng. Các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát lập các khu cách ly tập trung để sẵn sàng tiếp nhận cách ly đối tượng F1 trên địa bàn (Bộ Tư lệnh Thủ đô cử lực lượng quân đội quản lý khu cách ly tập trung).

Trên cơ sở tình hình dịch bệnh (số lượng ca mắc, tính chất phức tạp ... ) Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thị xã quyết định việc giãn cách xã hội theo quy mô thôn, xóm, tổ dân phố ... 

Để đảm bảo phòng chống dịch trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 , Bộ Y tế và Sở Y tế đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn cụ thể về mặt chuyên môn, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể trên địa bàn./.