>> Bộ trưởng Bộ Y tế: Đến 15/9, 100% người trên 18 tuổi ở Hà Nội sẽ được tiêm vaccine

Báo cáo tổng hợp nhanh kết quả tiêm chủng từ 18h ngày 9/9 đến 12h ngày 10/9, TP. Hà Nội đã tiêm được 181.314 liều vaccine COVID-19. Cộng dồn đến nay, toàn thành phố đã tiêm được 3.315.769 liều vaccine, gồm 2.959.321 mũi 1 và 356.448 mũi 2.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, số lượng vaccine được Bộ Y tế cấp về đến đâu, lập tức thành phố phân bổ cho các đơn vị tiêm chủng ngay đến đó cho kịp tiến độ. 

Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh trọng tâm, cùng với xét nghiệm “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, ngành y tế phải lập kế hoạch chi tiết và tổ chức ngay chiến dịch tiêm vaccine đến từng phường, xã, thị trấn, theo nguyên tắc “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, “vaccine về đến đâu phải tiêm hết ngay đến đó” đảm bảo an toàn, hiệu quả, không được để chậm trễ.

Trước diễn biến dịch COVID-19 vô cùng phức tạp và thực tế nhiều địa phương triển khai tiêm vaccine nhanh chóng cho người dân, song do thiếu nguồn cung vaccine, khiến người dân không tiếp cận được mũi tiêm thứ 2. Trước tình trạng này, Bộ Y tế khuyến cáo, khi nguồn cung vaccine COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ, nếu tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 bằng Pfizer hoặc Moderna. Nếu tiêm mũi 1 vaccine Moderna thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer và ngược lại.

Mới nhất, trong công văn khẩn ngày 10/9, gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị, để đảm bảo người dân được tiêm đủ mũi vaccine theo quy định, đảm bảo hiệu quả và an toàn, Sở Y tế tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, thành phố về việc tiêm mũi 2 vaccine Pfizer cho những người đã tiêm mũi 1 vaccine Moderna (đủ thời gian mà không có vaccine để tiêm mũi 2).

Liên quan đến kế hoạch tiêm chủng vaccine của Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội luôn dự phòng vaccine để tiêm mũi 2. 

Trao đổi PV VOV.VN, ông Khổng Minh Tuấn cho biết, CDC Hà Nội cũng đề nghị, tại các đơn vị triển khai tiêm chủng phải xây dựng kế hoạch hợp lý, bảo đảm sử dụng vaccine hiệu quả, tránh hao phí. Tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại vaccine ở cùng một thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm.

“Hà Nội luôn dự phòng vaccine để tiêm mũi 2. CDC căn cứ số đối tượng cần tiêm, đã tiêm và số lượng vaccine phân bố để xây dựng kế hoạch tiêm các đợt tiếp theo, đảm bảo minh bạch, kịp thời”, ông Tuấn nói.

Tại các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội, triển khai ngay trạm y tế lưu động. Các địa bàn còn lại phải có kế hoạch, phương án tổ chức trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn để sẵn sàng cho tình huống xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng.

Số liệu về tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 được ngành Y tế Hà Nội cập nhật liên tục trong tuần đầu của tháng 9 này cho thấy, số liều vaccine được tiêm hằng ngày đã tăng lên rõ rệt. Trong đó, ngày tiêm cao nhất, Hà Nội tiêm được 268.027 mũi vaccine, gấp hơn 3,5 lần so với ngày tiêm cao điểm trong tháng 8/2021 (hơn 72.000 mũi).

Để thực hiện mục tiêu tới ngày 15/9 tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho người đủ điều kiện, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, thành phố đã mở thêm nhiều điểm tiêm với 300 dây chuyền tiêm chủng, xét nghiệm được thiết lập mới, nâng tổng số dây chuyền tiêm chủng của Hà Nội lên 1.500. Tại các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội, triển khai ngay trạm y tế lưu động. Các địa bàn còn lại phải có kế hoạch, phương án tổ chức trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn để sẵn sàng cho tình huống xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng./.