Sở Y tế Hà Nộithông tin, từ 18h ngày 2/12 đến 18h ngày 3/12, thành phố ghi nhận 542 ca bệnh mắc COVID-19, trong đó, có 161 cộng đồng. Các ca mắc COVID-19 mới phân bố tại 170 xã, phường, thị trấn thuộc 25/30 quận, huyện là Hai Bà Trưng (81); Hoàn Kiếm, Hoàng Mai (59); Đống Đa (54); Mê Linh (49); Đông Anh (38); Ba Đình (27); Gia Lâm (24); Chương Mỹ, Nam Từ Liêm (16); Long Biên (15); Thanh Oai, Sóc Sơn (14); Thường Tín (12); Thanh Xuân (10); Tây Hồ, Bắc Từ Liêm (9); Ba Vì, Hoài Đức (8); Đan Phượng (7); Phúc Thọ, Thạch Thất, Cầu Giấy (4); Quốc Oai (1). Đây cũng là số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước đến nay, vượt qua 509 F0 trong ngày 2/12.

Tối 3/12, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong ngày trên địa bàn ghi nhận thêm 20 ca mắc COVID-19. Trong số đó, có 7 người phát hiện tại cộng đồng, 10 F1 chuyển F0, 2 lái xe đường dài và 1 nhân viên trong khu cách ly. Luỹ kế từ đầu năm 2021 đến nay, tổng số ca mắc trên toàn tỉnh Lạng Sơn là 665 người. Đây đang là thời điểm số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tăng cao. Trước tình hình trên, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch đáp ứng 5.000 ca F0 đồng thời trưng dụng Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh để đáp ứng điều trị bệnh nhân.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Yên Bái, địa phương vừa ghi nhận thêm 15 ca mắc Covid-19; trong đó có 12 trường hợp là F1 của các ca bệnh đã được ghi nhận trước đó, 3 trường hợp đi từ các tỉnh phía Nam về được cách ly ngay tại chốt kiểm dịch. Nhằm ứng phó với diễn biến của dịch, tỉnh Yên Bái vừa quyết định nâng cấp độ dịch ở 2 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn lên cấp độ 2 (vùng vàng – nguy cơ trung bình) là phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái và xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; các vùng còn lại vẫn ở cấp độ 1 (vùng xanh – nguy cơ thấp).

Hiện cả 12/12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có người mắc Covid-19, tuy nhiên cấp độ dịch của tỉnh vẫn ở cấp độ 1 màu  xanh  (nguy cơ thấp – bình thường mới); 12 huyện, thành phố cũng là vùng xanh; chỉ có 2/204 xã, phường, thị trấn đang thuộc cấp độ 2 màu vàng (nguy cơ trung bình).

Hiện tất cả các đơn vị cấp xã trên toàn địa bàn tỉnh Cà Mau đều ở cấp độ dịch 2 trở lên. Điều đáng chú ý là cách đây khoảng 1 tháng trước, TP. Cà Mau là một trong những đơn vị có dịch phức tạp nhất của tỉnh thì nay là đơn vị cấp huyện duy nhất không còn xã ở mức độ dịch cấp 3, 4. Hiện Cà Mau còn 1 đơn vị cấp xã duy nhất ở cấp độ dịch mức 4 là thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước; 3 đơn vị gồm Ấp 5, ấp 7, xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) và khóm 4, thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) cũng được đánh giá ở cấp độ dịch 4. Đây là lần đầu tiên, tỉnh Cà Mau thực hiện phân cấp độ dịch tới ấp, khóm.

Cho phép điều trị F0 tại nhà

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến chủng virus mới, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Cảng vụ hàng hải chủ trì, cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Y tế kiểm tra, giám sát tàu, thuyền viên đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh lên bờ đối với các thuyền viên đến/đi từ các quốc gia trên.

UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Sở Y tế phối hợp UBND các quận, huyện khẩn trương xây dựng phương án điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; trước mắt triển khai thí điểm tại 4 xã: Tiến Thắng, Vinh Quang, Toàn Thắng, Tiên Minh (huyện Tiên Lãng) và 2 phường Thượng Lý, Sở Dầu (quận Hồng Bàng). 

Sở Y tế Hải Phòng chuẩn bị đủ cơ số thuốc điều trị F0 tại nhà; đề xuất Bộ Y tế phân bổ thuốc kháng virus dạng viên để cấp phát cho các trường hợp cần phải sử dụng.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố bắt đầu triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ nhằm hướng đến mục tiêu giảm mắc, giảm tử vong do COVID-19. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn rà soát, lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên). Căn cứ vào danh sách được lập, các trung tâm y tế triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho từng thành viên của các hộ gia đình nêu trên.

Nếu phát hiện F0 không thuộc nhóm nguy cơ thì khuyến khích đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ lây lan cho các thành viên khác trong gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ. Nếu phát hiện F0 thuộc nhóm nguy cơ, có bệnh nền ổn định, có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cấp phát thuốc kháng virus cho F0 và cách ly tại nhà (nếu F0 có nguyện vọng). Đối với các thành viên trong gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm vaccine cho những người chưa tiêm. Đối với người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền hoặc trên 50 tuổi), có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm mũi nhắc lại nếu đã tiêm đủ liều cơ bản trước đó ít nhất 6 tháng.

Toàn tỉnh Cà Mau đang hiện có hơn 1.800 F0 được điều trị tại nhà. Sau hơn nửa tháng thực hiện, kết quả được cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đánh giá là khả quan. Việc điều trị tại nhà không chỉ giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn mà còn giúp giảm áp lực cho các cơ sở điều trị tập trung.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine

Chiều 3/12, làm việc tại Đắk Lắk về công tác y tế và phòng chống dịch trên địa bàn, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Đắk Lắk cần "dồn quân, tăng cường lực lượng đến từng ngõ, gõ từng nhà để tiêm vaccine", đặc biệt là những người có bệnh lý nền, người trên 50 tuổi. Có thể tổ chức các điểm tiêm lưu động, đến tiêm tại nhà cho các đối tượng này.

Bộ Y tế cũng vừa yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đủ liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Tuy nhiên, theo Cổng thông tin tiêm chủng Bộ Y tế, tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho người dân tại nhiều địa phương còn ở mức thấp. Mức độ chênh lệch trong tỷ lệ tiêm chủng giữa các tỉnh, thành phố cũng còn rất lớn./.