Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2020, tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với 2019. BHXH Việt Nam đã nỗ lực thu hồi nợ nhóm nợ từ 5 năm trở lên là 2.190 tỷ đồng, giảm hơn 1% so với năm 2019.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Đáng lưu ý là nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên vì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ. Riêng số nợ của nhóm này và nợ lãi chậm đóng đã chiếm gần 60% tổng số nợ BHXH. Tình hình chậm đóng, nợ đóng của nhóm doanh nghiệp nhà nước sau một giai đoạn có xu hướng giảm dần thì đến nay lại tăng trở lại.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cơ quan BHXH đã kịp thời thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thời gian sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng nhưng doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH cho người lao động và cơ quan thực hiện quản lý Quỹ BHXH.

“Trong điều kiện dịch bệnh này, trên cơ sở dữ liệu, trên tài nguyên của ngành BHXH Việt Nam đã có, chúng tôi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để xây dựng các tiêu chí, nhận diện các rủi ro của các đơn vị có khả năng nợ, trây ỳ, chốn đóng. Trên cơ sở đó, chúng ta có cảnh báo, phân tích, đôn đốc, kiến nghị, đồng thời nếu còn trây ỳ thì xuống thanh tra, kiểm tra. Do dịch bệnh nên công tác thanh tra, kiểm tra phải ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện để trên cơ sở đó thanh tra, kiểm tra tự động”- ông Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ. 

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ đối với người lao động.

“Có thể doanh nghiệp nợ nhưng người lao động không nợ, tuy nhiên lại không xử lý chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh, chế độ chính sách lại không được hưởng. Do vậy, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có báo cáo thêm về những vướng mắc. Có thể tiếp cận phương pháp như trong ngành thuế, xử lý nợ đọng có thể khoanh lại”- ông Vũ Hồng Thanh nói./.