Dự án cấp nước cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk được đầu tư gần 73 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Mặc dù dự án đã kết thúc hơn 1 năm, tiền thi công đã quyết toán, nhưng hệ thống cấp nước vẫn chưa thể hoạt động vì đường ống chính bị vỡ đến 13 lần.

Ngày 29/12, chúng tôi có mặt tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, nơi triển khai Dự án Cấp nước tưới cho cây cà phê. Lúc này, nhà thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên (trụ sở tại Đắk Lắk) đang cho thi công bổ sung các mố neo bê tông trên trục đường ống chính. Theo quan sát, đường ống chính được chôn lấp sâu dưới đất, dọc theo rẫy cà phê của người dân, cỏ cây đã mọc um tùm.

Ông Phan Hồng Hà, cán bộ kỹ thuật của nhà thầu thi công cho biết, theo thiết kế dự án có hơn 100 mố neo bê tông, nhưng khi dự án kết thúc vào tháng 10/2020, đơn vị mới thi công được 47 mố neo. Hiện nay, công ty đang thi công bổ sung cho đủ số lượng theo hợp đồng: “Có một công văn của Ban Trung ương là yêu cầu của bên thi công hoàn thành khối lượng theo hợp đồng. Nên bây giờ mình đi trên tuyến hoàn thiện một số mố neo ngày trước còn thiếu trong hợp đồng”.

Có mặt tại nơi nhà thầu đang thi công bổ sung mố neo, ông Bùi Ngọc Vinh, cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý dự án, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc thi công bổ sung mố neo không được sự đồng ý của chủ đầu tư vì thực hiện không theo trình tự: “Ngay từ tháng 9/2021, Ban có yêu cầu nhà thầu khắc phục toàn bộ những tồn tại, khiếm khuyết. Nhưng theo thứ tự thì thử áp trước, làm những mố neo này sau cùng. Nhưng nhà thầu không thử áp trước mà làm mố, thì chuyện làm mố này Ban không đồng ý. Tại vì khi thử áp, chắc chắn ống sẽ vỡ, mà nếu có các mố ở giữa thì làm sao thay được ống vào”.

Dự án Cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường được UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định phê duyệt vào tháng 1/2019, với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 65 tỷ đồng. Sau một vài lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án được nâng lên gần 73 tỷ đồng. Đây là một tiểu dự án trong Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên”, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam

Dự án tại thôn Tiến Cường được giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, khởi công cuối năm 2019; nhà thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên. Theo thiết kế, dự án dẫn nước từ hồ Buôn Yông về thôn Tiến Cường với khoảng cách gần 5km để tưới cho 400ha cây công nghiệp.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, do dự án dùng vốn vay của Ngân hàng Châu Á, tháng 10/2020 phải kết thúc nên dù chưa thi công xong, vẫn phải nghiệm thu để quyết toán. Đến thời điểm này, tiền đã thanh toán xong, nhưng dự án chưa hoàn thiện thi công và chưa vận hành. Trong năm 2020, khi vận hành thử, đường ống chính bị vỡ 13 lần và đến nay vẫn chưa khắc phục xong.

Đánh giá về nguyên nhân, ông Vũ Đức Côn thừa nhận, việc thiết kế dự án có thiếu sót và hiện nay đang cho điều chỉnh thiết kế, bổ sung một số hạng mục. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến vỡ đường ống là do chất lượng ống không tốt; nhà thầu thi công làm không đúng với hồ sơ thiết kế; thử áp lực đường ống chưa đạt yêu cầu đã mở nước toàn tuyến dẫn đến đường ống liên tiếp vỡ.

“Hiện nay, kiểm tra chất lượng công trình thi công thì đã phát hiện những tồn tại, khiếm khuyết. Đường ống một là chất lượng không tốt, không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ thì nó mới vỡ. Đường ống có thể là về chất lượng, lắp ráp, vận chuyển vì đây là ống giòn. Thử áp chưa đạt yêu cầu thì đã cho mở nước toàn tuyến thì nó lại vỡ tiếp. Đấy là những chuyện liên quan đến trực tiếp đến trách nhiệm của nhà thầu thi công, chất lượng đường đã được lắp đặt”, ông Côn nói.

Về phía nhà thầu thi công, bà Lưu Thị Ngụ, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kỳ Nguyên, thừa nhận, đơn vị có sai sót là thi công thiếu một số hạng mục như mố neo bê tông; cút, chếch không đúng theo hồ sơ thiết kế. Bà Ngụ giải thích, thời điểm thi công, do áp lực tiến độ phải hoàn thành để nghiệm thu, các bên liên quan đã chấp nhận những thiếu sót này. Về nguyên nhân vỡ đường ống, bà Ngụ cho rằng, trước hết là lỗi thiết kế dự án, lựa chọn vật liệu không phù hợp.

Cụ thể, bên thiết kế đã lựa chọn ống PVC, một loại ống nhựa giòn rẻ tiền, chất lượng kém nhất trong các loại ống dùng trong cấp nước là không phù hợp với địa hình đồi núi dốc. Thiết kế mố neo cũng bất ổn, khi các vị trí chuyển hướng không có mố neo mà lại thiết kế trên đường ống thẳng. Đồng thời, hồ sơ thiết kế chưa có các van thu khí, thiếu thiết bị giảm áp, giếng tiêu năng, chưa có biện pháp đề phòng hiện tượng nước va…

"Có sai chứ không phải không, nhưng cái sai đó không phải là nguyên nhân gây ra vỡ ống. Ai cũng biết bản chất đường ống này nhìn vô là không sử dụng được rồi. Bằng cách gì không biết, làm kiểu gì doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp, nhưng khắc phục thì dự án phải đi vào hoạt động được, chứ không để như vậy được. Cho nên hai bên mâu thuẫn với nhau."

Cũng theo bà Lưu Thị Ngụ, việc khắc phục sự cố vỡ đường ống hiện nay là không khả thi. Dù chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Đắk Lắk có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thiết kế như thế nào, thi công thêm hạng mục gì đi nữa thì chỉ tốn thêm tiền mà không hiệu quả, ống sẽ vấn tiếp tục vỡ. Vấn đề chỉ thực sự được khắc phục khi thay vật liệu đường ống chính từ ống nhựa giòn rẻ tiền uPVC sang một loại ống khác tốt hơn. Tuy nhiên, nếu thay đường ống thì cũng phải thay đổi gần như toàn bộ thiết kế, chi phí có thể tốn thêm hàng chục tỷ đồng nữa.

Một dự án gần 73 tỷ đồng, được được Ngân hàng Châu Á (ADB) đánh giá cao về tính thiết thực, nhưng sau hơn 1 năm kết thúc vẫn chưa thể vận hành; chủ đầu tư và nhà thầu thi công vẫn đang tranh cãi đường ống bị vỡ là lỗi do thiết kế hay thi công. Có lẽ câu trả lời chỉ được sáng tỏ sau khi Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra làm rõ./.