Phản ánh của báo chí về tình trạng phá rừng tái sinh ở Nậm Pồ là hoàn toàn chính xác. Đây là một trong những nội dung được thông tin, làm rõ tại buổi họp báo chiều nay 17/3, do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên tổ chức nhằm tăng cường công tác truyền thông về các hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thông địa phương trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo đại diện các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên thẳng thắn trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề mà báo chí quan tâm trong định hướng phát triển của ngành và địa phương như: Kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng điểm về xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Việc bảo vệ thương hiệu các sản phẩm lúa gạo, cây ăn quả đặc thù của Điện Biên; Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; Quản lý xây dựng các công trình nông nghiệp, phát triển nông thôn; Công tác thủy lợi, phòng chống giảm nhẹ tác động, ảnh hưởng do thiên tai gây ra…
Đối với vấn đề nóng được báo chí phản ánh trong thời gian qua về công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là sau sự việc hàng chục nghìn mét vuông rừng tái sinh ở huyện Nậm Pồ bị người dân tàn phá lấy đất làm nương rẫy, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết, phản ánh của báo chí về thực trạng này là hoàn toàn chính xác.
Sau phản ánh của báo chí, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã tiến hành làm việc với chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ để xác định rõ các vấn đề về việc trên địa bàn huyện, hiện diện tích rừng tái sinh nhiều, nhiều cây có tuổi đời lên đến 30-40 năm, do đó cần phải khẩn trương làm rõ nguồn gốc rừng xem có đúng là nguồn gốc đất nương rẫy thế hệ cha ông của người dân để lại hay không. Từ đó tìm ra những giải pháp thực tế, có định hướng cho người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng, cũng như đưa những diện tích rừng này vào quy hoạch, bảo vệ.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ tăng cường công tác nắm địa bàn từ cấp xã, nhất là trong thời điểm mùa phát nương làm rẫy cần bám nắm cơ sở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý tình trạng phá rừng. Đặc biệt là với 10.000 hecta rừng trên địa bàn chưa giao thì để bảo vệ tốt, tránh tình trạng phá rừng như thời gian qua sẽ cần nhiều biện pháp mạnh tay hơn.
"Qua kiểm tra, xác minh sự việc đúng như báo chí nêu và diện tích rừng bị phá khá nhiều chứ không ít. Đây cũng là bài toán đang đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Chúng tôi đã yêu cầu Hạt kiểm lâm huyện Nậm Pồ báo cáo với huyện cần kiên quyết giữ lại toàn bộ diện tích rừng ngoài quy hoạch, đủ tiêu chí thành rừng ở khu vực và trong thời sớm nhất rà soát đưa vào quy hoạch 3 loại rừng để xin điều chỉnh của UBND tỉnh tại kế hoạch 2783. Nếu trong thời gian tới vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép, chúng tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo các cấp có thẩm quyền vận dụng các quy định của pháp luật để xử lý những người vi phạm", ông Hà Lương Hồng cho biết.
Trước đó, vào ngày 10/3, VOV đã có bài phản ánhvề những bất cập trong công tác quy hoạch 3 loại rừng, người dân tại một số xã Nà Hỳ, Nậm Chua, huyện Nậm Pồ không đồng tình đưa nương luân canh vào quy hoạch 3 loại rừng đã ồ ạt phá nhiều diện tích rừng tái sinh làm nương. Lý do đưa ra là vì tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp, 500.000 đồng/ha/năm, người dân không đủ sống./.