Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng khẳng định, biến thể Delta là chủng lây lan nhanh, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo đó, thành phố tạm dừng mọi hoạt động trong 7 ngày và đang thực hiện các giải pháp phòng chống dịch mạnh hơn Chỉ thị 16.

Tuy nhiên, khi thực hiện Chỉ thị 05 của UBND thành phố hiện vẫn còn người ra đường. Sau thời gian 7 ngày tạm dừng mọi hoạt động, thành phố có thể đánh giá và tiên lượng những biện pháp tiếp theo.

Trong thời gian này, ngành y tế thành phố tập trung toàn bộ nhân lực để lấy mẫu xét nghiệm đại diện toàn bộ hộ gia đình. Riêng đối với người dân trong khu vực nguy cơ cao sẽ lấy 100% nhân khẩu. Trong7 ngày, người dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Dự kiến, có hơn 600.000 người được lấy mẫu xét nghiệm.

Để tất cả hộ dân và hộ gia đình đều được lấy mẫu, ngành y tế cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ quận, huyện đến từng tổ dân phố. Ngành y tế sử dụng toàn bộ 9 labo xét nghiệm RT-PCR trên địa bàn toàn thành phố. Theo kế hoạch, mỗi ngày thành phố có thể xét nghiệm 100 ngàn người.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trong 7 ngày thành phố thực hiện giãn cách, việc lấy mẫu cũng phải đảm bảo giãn cách bằng phương án lấy mẫu theo từng tổ dân phố. Lực lượng y tế sẽ đến từng tổ dân phố lấy mẫu hết tổ này đến tổ khác trong một phường. Như vậy, sẽ đảm bảo không tập trung quá đông người”.

Về năng lực điều trị của ngành y tế thành phố, bà Yến cho biết, cả thành phố có khoảng 10.000 giường bệnh. Trong đó, giường điều trị chung cho bệnh nhân COVID-19 khoảng 6.000 giường. Tuy nhiên, cả thành phố chỉ có khoảng 300 giường đủ điều kiện điều trị hồi sức cấp cứu, tích cực. Nếu vượt qua số này, hệ thống y tế sẽ quá tải. Vì vậy, lãnh đạo thành phố cần có sự chung tay của người dân hưởng ứng các biện pháp kiểm soát dịch của thành phố.

Về phân tầng điều trị, tại Đà Nẵng hiện có bệnh viện dã chiến ở Khu Ký túc xá phía Tây có 2000 giường, đảm nhận điều trị bệnh nhân nhẹ; Bệnh viện Hòa Vang, quy mô 200 giường điều trị cho bà mẹ mang thai, người chạy thận nhân tạo; Bệnh viện phổi Đà Nẵng có quy mô 100 giường điều trị cho bệnh nhân. Đà Nẵng có hệ thống xe cấp cứu rất tốt nên tất cả trường hợp F0 và ngay cả F1 cũng được vận chuyển bằng xe cấp cứu chuyên dụng.

Về phương án cung ứng hàng hóa chuẩn bị cho 7 ngày tới, Sở Công thương thành phố cho biết đã chuẩn bị gạo, mì ăn liền, nước mắm, rau, củ, quả, đảm bảo hàng thiết yếu, dễ bảo quản cho người dân.

Đối với 30.000 hộ nghèo khó khăn sẽ được thành phố vận chuyển đến cho hộ gia đình. Về nguồn hàng cung cấp cho thành phố, Sở Công thương sẽ huy động tất cả các siêu thị, hệ thống siêu thị nhỏ cung ứng hàng hóa cho người dân. Sở Công thương đặt hàng bình quân mỗi ngày 157 tấn với tổng cộng 1500 tấn hàng thiết yếu cho người dân thành phố. Các quận, huyện sẽ thành lập các tổ hỗ trợ cung ứng hàng hóa gồm các lực lượng: Công an, Thanh niên tình nguyện đặt hàng và trả hàng cho người dân. Các phương tiện vận chuyển hàng thiết yếu được cấp thẻ hoạt động. Nhân viên các siêu thị không phải hoạt động với phương châm “3 tại chỗ” mà được phép đi lại để cung ứng hàng hóa.

Về phương án phân phối hàng hóa, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở đặt hàng và đóng vai trò điều tiết phân phối lượng hàng đưa về đến các quận, huyện: “Thông qua giới thiệu của Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã liên hệ, làm việc với các tỉnh thành có nguồn cung về hàng hoá, chủ yếu là nguồn hàng rau củ quả để chủ động nguồn cung ứng và đặt hàng trước để đảm bảo đưa hàng về cung ứng cho người dân”.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, trong hơn 10 ngày qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong đó 2 chuỗi ca bệnh cảng cá Thọ Quang và chợ Đầu mối Hòa Cường lây lan khó lường. Riêng chuỗi ca bệnh liên quan đến cảng cá Thọ Quang đã lây lan ra 983 ca bệnh. Chuỗi chợ đầu mối Hòa Cường mới 2 ngày đã lây lan 87 người. Vì vậy, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định thực hiện biện pháp mạnh hơn để hạn chế tối đa người ra đường. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 05, thành phố đã cấp giấy đi đường cho hơn 10% dân số. Tuy nhiên, khi thực hiện tạm dừng hoạt động 7 ngày, số lượng người ra đường sẽ rất hạn chế.

Ông Hồ Kỳ Minh cho biết thêm, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ đối tượng khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo như người bán vé số, học sinh, sinh viên, người lao động kẹt lại tại các khu nhà trọ. Thành phố đã vận động nguồn xã hội hóa được 30 ngàn suất quà để hỗ trợ số hộ này. Rút kinh nghiệm việc cung ứng thực phẩm tại quận Sơn Trà vừa qua, thành phố sẽ thành lập Tổ cung ứng hàng hóa cấp quận, phường và khu dân cư.

Lãnh đạo thành phố sẽ tăng cường kiểm tra giám sát việc cung ứng hàng hóa; Tổ chức những chuyến xe lưu động chở hàng hóa thiết yếu đến bán tại các khu dân cư, đảm bảo phòng chống dịch. Thành phố cũng sớm khôi phục lại hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống. Khi thiết lập “vùng xanh” thì chính quyền sẽ cho chợ truyền thống hoạt động lại. Khi thực hiện chủ trương mới thì cả thành phố chỉ có khoảng 10.000 người ra đường, không còn chốt kiểm soát trong nội thị, chỉ còn chốt ngoại ô, ra vào thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh cho biết, sau 7 ngày, thành phố sẽ có điều kiện đánh giá lại tình hình và có những biện pháp tiếp theo: “Sau 7 ngày, thành phố sẽ phân định rõ vùng nào là vùng xanh, vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng. Quan điểm của thành phố là mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng cam, vùng vàng và hạn chế xuất hiện vùng đỏ. Chúng tôi kỳ vọng trong vòng 7 ngày sẽ quét được hai vòng, loai trừ F0 trong cộng đồng. Sau đó, thành phố sẽ tiếp tục đưa ra định hướng tiếp theo”.

Ông Hồ Kỳ Minh thông tin thêm, một số cơ quan báo chí được hoạt động với số lượng rất hạn chế, được cấp thẻ phù hiệu xe./.