Thành phố Kon Tum thần tốc truy vết ngăn chặn không để ổ dịch COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng
Theo phóng viên Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên: Đến sáng nay (4/12), ngành y tế tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 6 F0 liên quan đến ổ dịch COVID-19 ở khu nhà trọ trên đường Lý Tự Trọng, tổ dân phố 4, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Đối diện với nguy cơ ca F0 đầu tiên của ổ dịch có khả năng lây truyền dịch bệnh rất lớn, ngành y tế và chính quyền thành phố Kon Tum đang theo dõi chặt chẽ diễn biến và thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.
Ca F0 đầu tiên làm bùng phát ổ dịch COVID-19 tại khu phòng trọ ở tổ 4, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum là một công dân đi từ thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định về tỉnh bằng phương tiện công cộng vào ngày 1/12.
Trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 2/12, F0 này đã tới 6 địa điểm trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ngành y tế tỉnh Kon Tum nhận định đây là trường hợp F0 có nguy cơ lây truyền dịch bệnh ra cộng đồng rất lớn.
Khẩn trương truy vết các trường hợp liên quan, bước đầu xác định được 15 F1, hơn 100 F2, F3 và đến nay đã có 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến F0 này.
Ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết, chính quyền thành phố đang phối hợp với Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến của ổ dịch và thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.
“Ủy ban thành phố đã cho truy vết hết những điểm đến của trường hợp F0 này. Những điểm đến này đã được khoanh vùng phong tỏa hẹp. Những hộ gia đình nội bất xuất, ngoại bất nhập để lấy mẫu xét nghiệm. Cùng với đó thì hiện nay những học sinh tại tổ 4, phường Thống Nhất, những trường học trong khu vực này có liên quan đến công dân phường Thống Nhất, có liên quan đến F1, F2 thì cho học sinh tạm nghỉ và học trực tuyến tại nhà. Cùng với đó tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch để có các biện pháp phù hợp khoanh vùng, phong tỏa hay là cách ly tạm thời”, ông Mân cho biết./.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Đa dạng truyền thông để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống dịch bệnh
Phóng viên Lưu Sơn/VOV-TPHCM cho biết:Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở trong nước cũng như trên thế giới, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch thì ý thức của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch là thực sự quan trọng và cần thiết. Vì vậy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều biện pháp truyền thông để người dân tích cực chung tay chống dịch, tự bảo vệ mình bằng cách thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, những ngày qua địa phương liên tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao, số ca mắc trong cộng đồng chưa có dấu hiệu dừng lại. Cá biệt có ngày tỉnh có đến hơn 700 ca mắc mới, trong đó gần 50% mắc trong cộng đồng.
Theo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khi các ca mắc mới ghi nhận ngoài cộng đồng không ngừng tăng nhanh, địa phương này đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền để nhân dân không được chủ quan, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Địa phương vận động nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Các hội, đoàn thể chính trị, xã hội tiếp phải tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn, cùng với chính quyền tuyên truyền, vận động đến từng địa bàn dân cư và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng; nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia phòng chống dịch.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cuộc chiến chống dịch COVID-19 có thể còn dài, để tiếp tục giữ vững những thành quả đã đạt được, mỗi người dân không chỉ thực hiện tốt thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mà còn là một tuyên truyền viên tích cực, nhắc nhở những người xung quanh cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cũng như các biện pháp phòng, chống dịch.
Cũng theo ông Tuấn, hiện địa phương cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như: qua nhiều kênh báo chí địa phương, trung ương; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, tuyên truyền trực tiếp để người dân được biết, nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID-19; chung tay cùng chính quyền thực hiện phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế.
"Thật ra tâm lý người dân hiện nay cũng yên tâm, tâm trạng không như trước đây, chứng tỏ qua công tác tuyên truyền thì dân yên tâm hơn. Có thể thông qua các buổi gặp gỡ, tuyên truyền qua hình ảnh, kênh thông tin, trên các nền tảng tuyên truyền làm cho dân hiểu, không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Đối với người lao động thì doanh nghiệp cũng có trách nhiệm tuyên truyền cho người lao động, phải có trách nhiệm cho bản thân, đồng nghĩa với việc đồng hành với doanh nghiệp phòng dịch. Đó cũng là một cách phối hợp, đồng hành cùng chính quyền phòng, chống dịch", ông Tuấn nói.
Tại Vĩnh Long, xã vùng xanh giảm, nhưng tỉnh chưa thay đổi cấp phòng chống dịch
Phóng viên Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL cho biết:Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long vừa có thông báo về việc điều chỉnh cấp độ phòng chống dịch Covid-19.
Theo thông báo mới, mặc dù cấp độ dịch ở cấp tỉnh và cấp huyện không có gì thay đổi so với thông báo trước đây, tỉnh vẫn ở cấp độ 3 (cấp độ nguy cơ cao), nhưng đối với cấp xã, phường có nhiều thay đổi. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 7 xã, phường thị trấn cấp độ 1, giảm 10 xã, phường so với lần thông báo trước đây; có 38 xã, phường cấp độ 4 (Cấp độ nguy cơ rất cao), tăng 6 xã, phường so với trước đây.
Mấy ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Vĩnh Long ghi nhận khoảng 550 ca mắc mới. Đến nay tỉnh đã ghi nhận hơn 13.000 trường hợp F0, trong đó gần 7.600 trường hợp đã điều trị khỏi và 100 trường hợp tử vong. UBND tỉnh cũng đã đồng ý để ngành y tế địa phương cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Hiện nay tỉnh Vĩnh Long đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid 19.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, chúng ta phải chủ động thích ứng an toàn linh hoạt để kiểm soát dịch bệnh. Quan tâm hàng đầu nhất hiện nay là công tác phòng chống dịch. Vì nếu chúng ta phòng chống dịch tốt thì chúng ta làm những việc khác được. Tăng cường công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, thực hiện nghiêm việc cách ly và điều trị F0 tại nhà".
An Giang tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn ngừa biến chủng Omicron
Theo phóng viên Phan Ánh/VOV-ĐBSCL phản ánh:Hiện nay, trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Malaysia đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 mang biến thể Omicron. Trước tính tình hình này, cùng với công tác phòng chống dịch nói chung, An Giang đặc biệt tăng cường kiểm soát người nhập cảnh để ngăn ngừa biến chủng này.
Những ngày này, cái nắng như đổ lửa ở tuyến biên giới Tây Nam vẫn không làm chùn bước cán bộ, chiến sỹ tại các Chốt phòng chống dịch Covid-19 nơi tuyến đầu của An Giang. Có những người mới được tăng cường, có những người đã nhiều lần tham gia, mặc dù còn khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, từng cán bộ, chiến sĩ vẫn đang vững vàng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có những cán bộ, chiến sĩ mặc dù đã kết thúc đợt chống dịch của mình, nhưng đã xin tình nguyện ở lại để sát cánh cùng đồng đội ngày đêm tuần tra canh gác, góp phần cùng lực lượng chức năng kiểm soát một cách tốt nhất tình hình dịch bệnh trên tuyến biên giới.
Trung tá Nguyễn Hương Giang, Cán bộ Phòng Xây dựng Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh An Giang chia sẻ, được sự đồng ý của lãnh đạo phòng và sự ủng hộ của các đồng chí đồng đội trong đơn vị gánh tiếp tôi công việc, công tác nghiệp vụ tại đơn vị… Tôi đơn gửi lên Ban giám đốc để xin lên tuyến đầu phòng chống dịch.
"Với quyết tâm, thực hiện nghiêm điều lệnh Công an nhân dân, đoàn kết chặt chẽ với các lực lượng phòng chống dịch trên tuyến biên giới, khi nào chưa đẩy lùi được dịch thì chúng tôi chưa về”, Trung tá Nguyễn Hương Giang cho biết.
An Giang có đường biên giới dài gần 100km, với địa hình đồng bằng cùng hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt và nhiều đường mòn rất thuận lợi cho việc qua lại 2 bên biên giới Việt Nam và Campuchia. Với địa hình như vậy, chỉ một phút lơ là, bất cẩn cũng có thể làm tình hình hình dịch bệnh rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là đối với biến chúng mới Omicron hiện nay. Chính vì vậy, tập trung cao độ cho công việc và phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng là yếu tố đặc biệt quan trọng để quản lý đường biên hiệu quả.
Đại úy Hà Văn Mót, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, từ khi phối hợp với lực lượng công an cũng như các lực lượng khác trên địa bàn, thì tôi thấy hiệu quả rất là cao trong việc tổ chức ngăn chặn, khóa chặt biên giới. Tổ chức bắt được rất nhiều vụ nhập cảnh trái phép, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép; các hành vi vi phạm về quy chế khu vực biên giới quốc gia.
"Chúng tôi tiếp tục phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng trên địa bàn trong việc tổ chức ngăn chặn, khóa chặt biên giới đảm bảo làm sao là ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép mà có biểu hiện mang mầm bệnh vào địa bàn; các trường hợp có hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới”, Đại úy Hà Văn Mót nói.
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, việc người nhập cảnh trái phép có khả năng mang mầm từ bên ngoài vào nội địa, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là rất cao. Trước tình hình này, tỉnh An Giang tiếp tục duy trì 216 chốt dọc biên giới, nhằm thực hiện nhiệm vụ kép: vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo ứng trực 24/24, siết chặt biên giới, không để sót, bỏ lọt bất kỳ đối tượng nào xuất, nhập cảnh trái phép, cũng như các loại tội phạm hoạt động, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua biên giới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, xác định vai trò của quần chúng trong công tác quản lý địa bàn, các lực lượng hữu quan trên tuyến biên giới đã tăng cường phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương;
Cam kết và thực hiện nghiêm việc không xuất, nhập cảnh trái phép; không bao che, tiếp tay xuất, nhập cảnh trái phép và không tổ chức đưa đón, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép; kịp thời phát hiện, tố giác đối tượng có hành vi liên quan đến các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép với đồn biên phòng, chính quyền địa phương.
“Công tác ngăn chặn hiện nay, trong nội địa thì mình tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức về cái chủng Omicron này, vẫn là biện pháp 5K, chánh tiếp xúc đông người như trước đây. Rõ ràng hiện nay, chủng này sẽ lây lan bằng đường hàng hàng hông, về đường hàng không thì thuộc vào quốc gia rồi. Còn riêng đối với gần 100km tuyến biên giới còn 216 cai chốt chặn, mình sẽ ngăn chặn không cho người qua lại, vượt biên trái phép để mà ngăn chặn cái chủng này”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Cuối năm cũng là dịp nhu cầu đi lại, buôn bán gia tăng, cũng là thời gian gia tăng các hoạt động buôn lậu khu vực biên giới. Việc người dân đai vác, vận vận chuyển hàng lậu qua biên giới sẽ làm tăng nguy cơ dịch lây lan. Do đó, đòi hỏi lực lượng làm nhiệm vụ tại tuyên biên giới nói chung, khu vực An Giang nói riêng đảm bảo ứng trực 24/24, không để sót, bỏ lọt bất kỳ đối tượng nào xuất, nhập cảnh trái phép, cũng như các loại tội phạm hoạt động, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua biên giới./.