Với câu hỏi đầu tiên về vaccine COVID-19 Nanocovax do Việt Nam nghiên cứu và phát triển, đại diện Bộ Y tế cho biết, khi đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax của Nanogen, người tình nguyện tham gia với tinh thần tình nguyện của mỗi cá nhân vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học, vì sự nghiệp phát triển vaccine, với mong muốn Việt Nam sớm tự chủ được nguồn cung vaccine phòng COVID-19. 

Hiện tại vaccine Nanocovax đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng ở giữa giai đoạn 3. Giữa tháng 8/2021, Nanogen và các đơn vị nghiên cứu là Học viện Quân Y và Viên Pasteur TP.HCM đã nộp hồ sơ lên Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (HĐĐĐQG). 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, vaccine vẫn còn một số tồn tại mà Hội đồng cấp phép kiến nghị giải quyết: “Chúng ta đều mong muốn, trong nước có sớm nhất, nhanh nhất có vaccine COVID-19 trong nước. Nhưng vaccine là sản phẩm đặc biệt, ảnh hưởng không chỉ tới một người mà còn liên quan đến cả cộng đồng và có thể là nhiều thế hệ. Với chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về phát triển vaccine, chúng ta hướng tới phát triển vaccine nhanh chóng, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn và hiệu quả”.

HĐĐĐQG thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3a, gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện vaccine Nanocovax theo quy định.

Ông Thuấn cho biết, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng cấp phép, Công ty Nanogen và các đơn vị nghiên cứu cần thiết phải hoàn thành và bổ sung cập nhật dữ liệu an toàn cho toàn bộ những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine, gồm các đối tượng đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine tới thời điểm hiện tại và giải thích rõ các trường hợp, sự cố, bất lợi nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bổ sung, cập nhật dữ liệu theo đề cương sửa đổi mới được Hội đồng Đạo đức thông qua về tính sinh miễn dịch, bao gồm đánh giá tính sinh miễn dịch trên biến thể virus mới (như Delta, biến thể xuất hiện tại Anh…). Về tính bảo vệ, đề nghị phân tích về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vaccine và hiệu quả bảo vệ, với tỷ lệ tối thiểu đạt ít nhất 50% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, hiện Việt Nam đang thử nghiệm 3 loại vaccine (NanoCovax, Covivac và ARCT-154) và dự kiến đầu năm 2022, Việt Nam sẽ tự chủ vaccine trong nước. 

Với vấn đề tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ được tạo điều kiện như thế nào, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ bàn thảo nội bộ với các nhà khoa học để đưa ra đề xuất phù hợp và tham vấn với các Bộ, ngành trước khi trình lên Chính phủ.

Đáng chú ý, cũng theo ông Thuấn, thời gian tới vaccine sẽ về càng ngày càng nhiều. Cụ thể trong tháng 9 và 10 sẽ về khoảng 30 triệu liều hoặc hơn.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng cho biết, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực “ngoại giao vaccine” để tiếp cận nguồn cung và tăng thêm nguồn vaccine cho yêu cầu chống dịch trong nước./.