Theo đó, đối với khu cách ly tập trung, UBND tỉnh Bình Thuận để nghị chấn chỉnh ngay việc quản lý và điều hành, rà soát trang thiết bị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra lại từng phòng để chia nhỏ số người trong phòng, sẵn sàng kích hoạt khu cách ly tập trung mới để đưa những F1 mới phát sinh vào quản lý riêng. Trong đó cần lưu ý thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống dịch và các chế tài xử lý trong trường hợp người cách ly vi phạm.
Còn đối với khu phong tỏa phải có phương án tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn nữa các trường hợp người dân ra ngoài không có lý do chính đáng, việc người dân còn tụ tập, vi phạm quy định giãn cách, việc thả rong vật nuôi dẫn đến nguy cơ lây nhiễm trong khu phong tỏa.
Tại khu phong tỏa cứng thì không cho người dân ra khỏi nhà, việc cung cấp lương thực, thực phẩm phải được tổ chức mang đến tận nhà, lắp đặt camera và có người giám sát 24/24h. Đối với khu vực phong tỏa có nguy cơ rất cao cũng phải tính đến phương án đưa người dân đi cách ly tập trung để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Các trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch hoặc đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái phạm thì phải xử phạt nghiêm, đảm bảo tính răn đe.
Tính đền chiều 1/9, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 2.348 ca mắc COVID-19, trong đó nhiều ca phát hiện trong các khu cách ly tập trung và khu phong toả. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bình Thuận, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, việc quản lý tốt các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa có ý nghĩa rất quan trọng để sớm khống chế dịch bệnh. Trong khi đó, thời gian qua, công tác quản lý tại các khu phong tỏa, khu cách ly tập trung chưa được thực hiện nghiêm túc, có nơi còn lỏng lẻo, không thực hiện nghiêm yêu cầu 5K./.