Chiều 27/6, tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin y tế, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết thời gian qua, hệ thống giám sát trọng điểm của Việt Nam, nhất là các viện, bệnh viện, Cục thường xuyên lấy mẫu, giải trình tự gene. Hiện, Việt Nam đã có sự xâm nhập chủng BA.5 của Omicron.

Theo GS Nguyễn Trọng Lân, đây là điều tất yếu khi người dân giao lưu, đi lại trong bối cảnh bình thường mới. "Khi xâm nhập chủng mới thì các nguy cơ chủng này có thể lấn lướt chủng cũ như BA.1, BA.2"- ông Lân nói. 

GS Lân khẳng định Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện các biến chủng mới, từ đó triển khai các biện pháp phòng chống dịch an toàn, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp.

Cũng theo GS Phan Trọng Lân, qua một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu, biến chủng BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2.

"Về khả năng gây bệnh nặng của biến chủng mới này, y học thế giới hiện chưa có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chưa được công bố cũng cho thấy chúng gây biểu hiện bệnh nặng hơn. Để có được bức tranh tổng thể, đầy đủ hơn về biến chủng này, vẫn cần có những nghiên cứu bài bản hơn"- GS Lân nêu rõ.

Trên thế giới, WHO cũng bước đầu ghi nhận biến chủng BA.4 và BA.5 đã xuất hiện tại nhiều quốc gia thuộc châu Âu, châu Mỹ. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận định thế giới vẫn trong đại dịch. Đồng thời, WHO cảnh báo biến chủng mới có thể làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Vì thế, WHO khuyến cáo các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm,.../.