Theo ông Lê Thanh Hải, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nồm ẩm có chu kỳ. Khi có đợt gió mùa Đông Bắc, thời tiết sẽ hết nồm ẩm, chuyển sang giai đoạn khô. Nhưng cái khô của mùa xuân ngắn, chỉ khoảng một vài ngày rồi lại chuyển sang giai đoạn mưa phùn nóng kèm theo ẩm ướt. Đi kèm với mưa phùn, nồm ẩm cũng tạo điều kiện khiến nấm mốc phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến người già, trẻ con, gây ra rất nhiều bệnh truyền nhiễm, đặc biệt với những người có bệnh hô hấp mạn tính, hoặc là hen suyễn.
Mưa phùn, nồm ẩm là một hiện tượng thiên nhiên đặc sắc, không có cách gì để tránh được. Chúng ta chỉ có thể thích ứng với nó. Trong trường hợp ở ngoài trời ẩm hơn trong phòng thì việc mở cửa ra, vô hình chung, chúng ta lại mang không khí ẩm từ ngoài vào. Theo ông Hải cách ứng phó lúc này là nên đóng kín cửa lại, và lau khô sàn nhà. Còn trong trường hợp khi ra ngoài trời mà thấy bắt đầu có hửng nắng, bắt đầu có se se khô, thì điều ấy có nghĩa là ngoài trời đã bắt đầu khô hơn ở trong nhà, thì lúc ấy chúng ta phải mở cửa ra.
Thời tiết nồm ẩm, mưa phùn không chỉ gây khó chịu đối với con người mà còn ảnh hưởng xấu đến các thiết bị điện tử, thiết bị bếp, đồ điện tử gia dụng. Các thiết bị này vốn nhạy cảm với sự ẩm ướt, dễ bị hỏng hóc vi mạch, lỗi phóng điện gây chập cháy, ông Lê Thanh Hải cũng đưa ra lời khuyên: "Các thiết bị điện tử như là TV, đài, nồi cơm điện,... thông thường độ ẩm cao từ 90% trở lên, sẽ làm cho các thiết bị chóng hỏng. Trời nồm ẩm, các bạn không nên rút hẳn điện ra, mà phải để chế độ chờ. Chế độ đấy có một dòng điện rất nhỏ, làm sấy khô các thiết bị điện tử. Trường hợp phòng của các bạn quá kín có thể dùng các thiết bị hút ẩm hoặc là dùng điều hòa nhiệt độ, để ở chế độ khô".
Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, việc tìm kiếm giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí đang ngày càng được nhiều người chú trọng. Việc đầu tư từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để mua một chiếc máy hút ẩm sử dụng trong những ngày nồm ẩm hiện khá phổ biến ở nhiều gia đình.
Máy hút ẩm có quạt hút gió vào thiết bị để hút ẩm và thông thường những thiết bị này có những lưới lọc và bản chất của nó là lọc không khí. PGS. TS Nguyễn Việt Dũng, Viện Khoa học Công nghệ và Nhiệt lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý, theo quy chuẩn thì sau một khoảng thời gian sử dụng nhất định chúng ta phải vệ sinh lưới lọc và sau 1 số lần vệ sinh thì chúng ta phải thay lưới lọc mới. Bởi nếu không vệ sinh đúng cách sau quá trình sử dụng lưới lọc sẽ bị mất tác dụng. "Theo kinh nghiệm đầu mùa chúng ta nên vệ sinh lưới lọc, hay phin lọc, cuối mùa chúng ta lại làm vệ sinh cho nó." PGS. TS Nguyễn Việt Dũng khuyến cáo.
Cùng với máy hút ẩm, bật điều hòa không khí ở chế độ hút ẩm cũng là lựa chọn của nhiều gia đình để đối phó trong những ngày độ ẩm không khí tăng cao. Tuy nhiên, sử dụng thiết bị này cũng cần lưu ý để đảm bảo an toàn. PGS. TS Nguyễn Việt Dũng lưu ý: "Khi sử dụng chức năng hút ẩm, máy điều hòa sẽ chạy ở độ lạnh rất sâu nên khuyến cáo chúng ta chỉ nên sử dụng chúng vào những ngày nồm và nhiệt độ cao, đặc biệt nhà có người già và trẻ em cần phải để ý giữ sức khỏe.
Khi dùng chức năng làm khô của điều hòa, độ ẩm được khử khá là tốt nhưng nếu tắt điều hòa thì chỉ 1 lúc thôi độ ẩm quay trở lại nhiều hơn và có khi còn đọng nước nhiều hơn trước, nên sẽ phải để máy chạy liên tục. Chúng ta không nên để nhiệt độ trong buồng và ngoài trời chênh nhau quá 10 độ như vậy vừa khống chế được độ ẩm vừa phải, không quá khô so với ngoài trời dẫn đến có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người già, trẻ con, người bị tim mạch, huyết áp cao".
Những ngày thời tiết nồm ẩm thường tạo điều kiện cho nấm mốc và các loại vi sinh vật có hại cho con người sinh sôi, phát triển. Theo GS.TS Phạm Văn Ty, nguyên giảng viên Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đa phần các vi sinh vật là bạn của con người bởi chúng sinh ra các enzim, chất kháng sinh phục vụ cho đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại gây hại cho con người và chúng phát triển mạnh trong những ngày thời tiết nồm ẩm: "Khi mình cởi cái áo ra mà chưa kịp giặt thì chỉ mấy hôm sau nấm mốc mọc hết ở cổ áo nơi có nhiều chất dinh dưỡng cho vi sinh vật phát triển hay 1 đôi giầy để dưới gầm gường thì chỉ mấy hôm sau là mốc meo. Hoa quả thực phẩm nếu không để mắt đến thì chỉ trong một thời gian rất là ngắn vi sinh vật phát triển và gây hư hỏng. Trong gia đình có những loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột như là E.coli... Chính vì vậy con người chúng ta luôn phải cảnh giác đối với vi sinh vật gây hại. Đối với những loại gây hại thì mình phải luôn sạch sẽ: sống sạch, ăn sạch, ở sạch…" GS.TS Phạm Văn Ty cảnh báo.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, lau nhà bằng giẻ khô; lót báo xuống nền nhà nơi ẩm thấp, không bật quạt là những bí quyết giúp bạn “sống sót” qua mùa nồm ẩm. Bên cạnh đó, vấn đề sức khỏe cũng rất cần chú ý trong điều kiện trời nồm. Không khí bức bí, ẩm mốc sinh sôi là nguyên nhân của nhiều loại bệnh theo mùa. Bạn và gia đình cần ăn uống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cân đối, đồng thời bổ sung vitamin để cơ thể tăng sức đề kháng./.
Những cách đơn giản khử mùi hôi trên quần áo:
- Khử mùi hôi trên quần áo bằng giấm: Hòa giấm trắng với nước giặt rồi ngâm quần áo trong khoảng 30 phút. Sau đó, bạn giặt quần áo bằng bột giặt như bình thường. Giấm trắng có khả năng khử mùi rất hiệu quả.
- Dùng nước muối: Trước khi giặt quần áo, bạn nên ngâm quần áo trong nước muối để loại bỏ toàn bộ vi khuẩn gây mùi. Nên ngâm trong khoảng 30 phút với nồng độ muối 40%. Không chỉ khử mùi hôi trên quần áo hiệu quả, nước muối còn làm vải trở nên mềm mại hơn, mặc thoải mái hơn.
- Dùng nước gừng tươi: Bạn giã hoặc xay nhuyễn gừng, sau đó rắc lên quần áo bị hôi rồi vò lại với nước sạch. Điều này sẽ giúp loại bỏ mùi hôi khó chịu trên quần áo. Sau đó, bạn đem ngâm giặt quần áo như bình thường sẽ có kết quả như mong muốn.
- Ngâm quần áo với chanh tươi: Một phương pháp khử mùi hôi có hiệu quả không kém đó là chanh tươi. Bạn hãy ngâm quần áo khoảng 30 đến 40 phút trong nước chanh pha loãng, sau đó giặt sạch lại với bột giặt. Điều này giúp mùi hôi bám vào quần áo được đánh bay hoàn toàn và mang đến mùi hương thơm mát, dễ chịu.