Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, đợt mưa lũ, giông sét và sạt lở đất xảy ra từ ngày 9 đến 13/5 tại tại các tỉnh gồm: Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên đã khiến 9 người thiệt mạng; khoảng 100 nhà dân bị hư hỏng, thiệt hại.
Mưa lũ cũng làm hơn 5 nghìn 600 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; gần 15 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết và gần 48 ha thủy sản bị thiệt hại; cuốn trôi 2 đập tạm; 8 đập, hồ chứa nước bị ảnh hưởng; 1 nghìn 200 mét kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 8 cầu bê tông dân sinh bị trôi, 60 cột điện gãy, đổ; gây sạt lở một số tuyến đường giao thông với khối lượng hơn 140 nghìn mét khối đất đá; 1 ngầm tạm bị hư hỏng…
Chính quyền các địa phương bị thiệt hại bởi thiên tai đã và đang nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục và tiếp tục ứng phó với mưa lũ.
Ngày 14/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ thực hiện nghiêm Công điện số 415/CĐ-TTg ngày 13/5 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 02/CĐ-VPTT, văn bản số 250/VPTT ngày 10/5 và số 254/VPTT ngày 11/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống.
Các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai; sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.