Chiều 23/9, tại Hà Nội diễn ra phiên họp toàn thể Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, bàn về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo.

Hai nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại phiên họp để xin ý kiến Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực gồm: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025; Đảm bảo sách giáo khoa và quản lý sách tham khảo.

Tiếp tục giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Sau khi nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo, các đại biểu cùng thảo luận sôi nổi về một loạt vấn đề mà dư luận quan tâm gần đây như: có nhất thiết phải duy trì một kỳ thi mà tới 98% thậm chí 99% thí sinh đỗ tốt nghiệp, bản chất của kỳ thi này là gì, kỳ thi này có đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học và của xã hội hay không. Có cần thiết phải có sách bổ trợ, sách tham khảo hay không; Sách tham khảo có bị các nhà xuất bản, trường phổ thông lạm dụng vì mục đích kinh tế hay không…

Bàn về phương án thi tốt nghiệp THPT, đa số ý kiến của thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, trong giai đoạn 2021-2025 nên giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng như hiện nay bởi nếu bỏ thi thì học sinh sẽ không học và thí sinh sẽ gặp khó khăn khi xét tuyển đại học, cao đẳng.

Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới Giáo dục và Đào tạo, thi tốt nghiệp THPT không đơn thuần là một con số như dư luận cũng như phụ huynh học sinh hay có ý kiến.

“Nếu không thi, học sinh sẽ không học. Học sinh không học thì ngay bản thân thầy cô cũng không nỗ lực dạy, đổi mới, đó là thực chất. Hệ lụy này không chỉ đơn thuần dừng lại ở cấp THPT mà nó sẽ kéo theo đổ xuống cấp THCS, rồi tiểu học”, bà Nhiếp nói.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, dù 80- 90% đỗ vẫn cứ phải thi, nếu không thi, học sinh sẽ không học.

“Nếu không thi thì chỉ còn cách xét học bạ, thế nhưng học bạ trong tình hình hiện nay trình độ từng vùng khác nhau, trình độ giáo viên khác nhau, kể cả tiêu cực hiện nay nữa. Vì thế nếu để xét học bạ, tiêu cực sẽ xảy ra”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.

Đại diện các trường đại học cho rằng, từ khi thực hiện tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và năm 2020 là thi tốt nghiệp THPT thì các trường đều tuyển sinh thuận lợi, đáp ứng được 80% yêu cầu của các trường. Chương trình phổ thông trung học hiện nay vẫn là chương trình cũ nên không thể bỏ kỳ thi này.

Vấn đề cần bàn hiện nay đó là phương án tổ chức kỳ thi này như thế nào để vừa giữ được sự ổn định đối với thí sinh, nhưng vẫn đảm bảo công bằng, đánh giá đúng năng lực học sinh, không gây áp lực, không gây tốn kém cho gia đình học sinh và xã hội.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đó là trong năm 2021, 2022 tổ chức thi ổn định như năm 2020, từ năm 2023 chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện…

Tiểu học thì tham khảo cái gì?

Đối với sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ, các ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ từng loại sách. Sách giáo khoa là bắt buộc, còn sách bổ trợ, sách tham khảo thì không được bắt học sinh mua.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm: “Học sinh có thể mua và có thể không mua và theo tôi Bộ phải tuyên bố rõ ràng quan điểm ấy ra và địa phương nào bắt buộc, địa phương ấy phải chịu trách nhiệm”.

“Học sinh Việt Nam đọc ít sách quá, nên phải có sách tham khảo, mặc dù nội dung sách giáo khoa đảm bảo chuyển tải đầy đủ yêu cầu của chương trình rồi, nhưng mà học sinh phải học thêm. Song tôi xin đề nghị, sách tham khảo với tiểu học là nên cấm. Tiểu học không nên có sách tham khảo, các cháu bé như thế cần tham khảo cái gì đâu”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói thêm

Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề liệu có lợi ích nhóm trong việc phát hành sách bổ trợ, sách tham khảo. Các nhóm lợi ích mà các thành viên Hội đồng chỉ ra đó là Nhà xuất bản, Phòng Giáo dục- Đào tạo các quận, huyện, Hiệu trưởng các nhà trường. Vì vậy Bộ và các địa phương cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 đã đạt được những kết quả tốt đẹp và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và thi cử nói riêng là một quá trình nên cần có sự ổn định để không gây xáo trộn đối với học sinh . Vì vậy, trong thời gian trước mắt cần giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020.

“Thi sau 2020 cơ bản giữ ổn định như vậy và chỉ tập trung vào 2 khâu. Khâu thứ nhất, tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác để có ngân hàng đề thi phong phú hơn, để tiến tới mọi người công khai ngân hàng ấy, để tất cả mọi người dựa vào đấy mà học, mà ôn luyện. Thứ 2 là ứng dụng công nghệ để tiến tới chúng ta có thể thi qua máy càng nhiều càng tốt và thi nhiều đợt một năm thông qua các trung tâm khảo thí. Phần còn lại không có điều kiện thì mình đưa xuống tận trường nhưng mà cũng phải có lộ trình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Đối với vấn đề sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rút kinh nghiệm về việc thiếu sách cục bộ và những vấn đề chưa tốt đối với sách tham khảo và sách bổ trợ. Bộ cần nghiên cứu việc đưa sách tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách giáo khoa thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, đồng thời khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ./.