Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra hơn 50 điểm sạt lở, với chiều dài trên 4.600 mét. Dự tính, nguồn kinh phí để xử lý sạt lở gần 87 tỷ đồng. Trong đó, huyện Cai Lậy có nhiều điểm sạt lở nhất 27 điểm sạt lở, với chiều dài khoảng 1,9km; huyện Cái Bè có 17 điểm sạt lở, chiều dài khoảng 1,7 km; huyện Châu Thành 06 điểm sạt lở, với chiều dài hơn 790 mét và thị xã Cai Lậy có 01 điểm sạt lở với chiều dài gần 200 mét.

Đối với các điểm sạt lở nhỏ, chính quyền địa phương chủ động xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”, các điểm sạt lở có quy mô lớn tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ.

Do nhiều điểm sạt lở chậm khắc phục đã ảnh hưởng đến việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân. Tại sông Rạch Gầm, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có khu vực sạt lở “hàm ếch”, do chưa có nguồn kinh phí nên sau 2 năm vẫn chưa được khắc phục làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Ông Phạm Tấn Lộc người dân địa phương bức xúc: “ Người dân buôn bán trái sa pô nhưng không thể vận chuyển được, đường vận chuyển bị cắt đứt 100%. Người dân cuộc sống bị đảo lộn hơn 2 năm nay và bị thiệt hại nhiều. Bây giờ đề nghị khắc phục, theo đường lở đó mở cái lộ ngang 3 mét đi theo đường lở đó, kè thì tốn tiền không cần thiết. Kè rất tốn kém mà làm không được vì lở hàm ếch không làm kè được”./.