Những ngày này, các phương tiện di chuyển trên quốc lộ 37 đoạn qua địa phận các huyện Phù Yên, Bắc Yên, tỉnh Sơn La gặp rất nhiều khó khăn. Trải dài trên cung đường đèo dốc, liên tiếp bắt gặp những điểm sạt lở, với lượng lớn đất đá, cây cối bật gốc từ taluy dương tràn ra mặt đường. Một số đoạn sạt phía taluy âm với vực sâu, mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. 

 

Anh Trịnh Tiến Dậu ở Phú Thọ, lái xe chở hàng qua tuyến đường này chia sẻ: "Chúng tôi đi qua con đường quốc lộ 37 này thường xuyên gặp sạt lở, đi lại cực kỳ khó khăn, rất nguy hiểm cho tài xế khi di chuyển. Mong các cơ quan chức năng sớm khắc phục hết những sạt lở để anh em lái xe chúng tôi đi cho thuận tiện, thoải mái".

Với chiều dài gần 140 km, quốc lộ 37 thuộc địa phận tỉnh Sơn La là tuyến giao thông quan trọng kết nối Sơn La với Yên Bái, Phú Thọ và các tỉnh Đông Bắc; giao với nhiều tuyến đường quan trọng như quốc lộ 6, quốc lộ 43... Do đi qua những địa bàn có địa hình phức tạp, nền địa chất không ổn định, nên mỗi mùa mưa lũ trên tuyến thường xảy ra sạt lở, nhất là ở khu vực đèo Chẹn, dốc Cao Đa và đèo Phiêng Ban thuộc huyện Bắc Yên...

Chỉ tính từ ngày 1/9 đến nay, trên quốc lộ 37, đoạn qua địa phận huyện Phù Yên, Bắc Yên đã có gần 50 vị trí sụt dương, sa bồi với khoảng 10.000 m3 đất đá; sạt âm 100 mét dài tại 5 vị trí. Ông Hoàng Mạnh Tiến, Hạt trưởng Hạt 2-37, Công ty cổ phần Quản lý sửa chữa - Xây dựng công trình giao thông II Sơn La cho biết: "Từ ngày 1/9 đến nay trên cung đường đơn vị quản lý xảy ra rất nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Để khắc phục, không gây ách tắc kéo dài, đơn vị đã tập trung máy móc, con người, cả ngày cả đêm túc trực ở vị trí xung yếu, làm sao thông xe một cách nhanh nhất".

Theo thống kê của Ban Quản lý bảo trì đường bộ, Sở GT-VT tỉnh Sơn La, từ ngày 1 đến 13/9, trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh do Ban quản lý đã có trên 6.100 vị trí sụt taluy dương, sa bồi mặt đường, cống, rãnh với khối lượng hơn 30.600 m3. Sạt taluy âm 154 mét dài với 7 vị trí; xói lề đường, hư hỏng, sình lún mặt đường hơn 6.500 m2...

Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Ban Quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Sơn La cho biết: Ngay đầu mùa mưa lũ, đơn vị đã xây dựng phương án, phối hợp với các đơn vị quản lý, kiểm tra, rà soát, bố trí nhân lực, phương tiện tại tất cả các vị trí xung yếu trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh... Tuy nhiên, với đặc thù địa phương miền núi, việc đảm bảo giao thông thường gặp không ít khó khăn: "Khó khăn nhất là thiên tai luôn có tình huống bất ngờ, dù những vị trí xung yếu đã bố trí máy móc thiết bị, nhưng do địa hình miền núi bị chia cắt nhiều, xảy ra những điểm sụt lở bất ngờ chưa lường hết. Khi xảy ra tình huống đó phải huy động nhân lực, thiết bị, thời gian kéo dài hơn, ảnh hưởng đến việc đảm bảo giao thông. Thêm nữa là mưa bão gây sạt lở thường xảy ra trong đêm, các đơn vị khắc phục rất vất vả".

Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết: "Mùa mưa lũ năm 2022, tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng rất nhiều. Từ sau cơn bão số 2, số 3 và đặc biệt do ảnh hưởng trận mưa từ 9-12/9 vừa qua thiệt hại rất lớn đến các công trình giao thông. Ban chỉ huy đã chỉ đạo, phối hợp với các ngành, tập trung sử dụng phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt cho bà con đi lại, quan tâm huy động lực lượng tại chỗ giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai".

Hiện, các tuyến đường huyết mạch tại Sơn La cơ bản đều thông suốt. Tuy nhiên, do số lượng vị trí sạt lở nhiều, lại ảnh hưởng bởi mưa lớn cục bộ, một số điểm vẫn còn tồn đọng đất, đá, lầy lội... Các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục huy động nhân lực, phương tiện khắc phục, phấn đấu không để ách tắc xảy ra./.