Chiều qua (26/3), Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu V do Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn dẫn đầu đã đi thị sát thân đập và làm việc với chủ đầu tư.
Làm việc với đoàn công tác, đại diện Ban quản lý dự án thủy điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đơn vị đã cho xử lý bằng cách thu gom và dân nước thấm về hành lang thu nước của thân đập.
Báo cáo về công tác phòng chống bão lụt, Ban quản lý dự án thủy điện 3 cho biết đã chuẩn bị đủ các thiết bị cần thiết như rọ đá, xăng dầu. Tuy nhiên trao đổi với phóng viên Đài TNVN sau chuyến kiểm tra thực tế, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - Phó Tư lệnh Quân khu V đánh giá, phương án phòng chống lụt bão ở thủy điện Sông Tranh 2 chưa được chuẩn bị chu đáo.
Nước rò rỉ ở phía hạ lưu đập chính thủy điện Sông Tranh 2 (Ảnh:VNE) |
Thực tế tại hiện trường, toàn bộ nước tràn tại vai trái của thân đập đã được thu gom vào các đường ống nên nước bớt chảy ra ngoài thân đập. Riêng phía bên phải các cửa xả trà nước vẫn còn tuôn chảy xối xả. Việc xử lý nước thấm qua thân đập diễn ra chậm chạp khiến chính quyền và người dân địa phương không khỏi lo lắng cho sự an toàn của đập, cũng là an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du.
Ông Hoàng Xuân Bốn, người dân tộc Cor ở xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My và toàn bộ công nhân của ông không yên tâm làm ăn khi thấy tình trạng chống thấm qua thân đập không mấy được cải thiện: “Bản thân tôi rất lo, họ làm rất đơn sơ, họ làm không đúng tính chất cấp bách của công việc và nguyện vọng nhân dân và cán bộ công chức trong huyện”.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Nam cho rằng, khi chưa có kết luận chính thức từ phía các Bộ, ngành Trung ương về nguyên nhân rò rỉ nước qua thân đập thì chưa thể có đề xuất gì về phương án sơ tán dân vùng hạ du.
Hiện nay, chủ đầu tư và các nhà khoa học còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nếu từ nay đến mùa mưa bão mà chưa có kết luận cụ thể thì Ban chỉ huy sẽ tham mưu cho tỉnh đề nghị thủy điện Sông Tranh 2 tích nước hạn chế trong mùa mưa bão, đồng thời phải lên phương án sơ tán dân vùng hạ du bị ảnh hưởng trực tiếp.
Về phía Bộ tư lệnh Quân khu V, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn khuyến cáo chính quyền địa phương cũng nên chuẩn bị phương án xấu nhất có thể phương án sơ tán dân, nhằm chủ động đề phòng sự cố./.