Nhằm tránh trường hợp người lao động khi đi làm có thu nhập tốt, nhưng khi nghỉ hưu thì mức lương hưu lại thấp do mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, từ ngày 1/1/2018, mức đóng bảo hiểm xã hội được căn cứ dựa vào 3 khoản thu nhập của người lao động gồm: Mức lương, phụ cấp và các khoản thu nhập bổ sung ổn định.
Những khoản thu nhập bổ sung và khoản phụ cấp được tính đóng bảo hiểm xã hội từ 1/1/2018 được quy định rõ tại Điều 30 trong Thông tư số 59/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo đó, chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định sẽ được tính đóng bảo hiểm xã hội. Còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính đóng bảo hiểm xã hội.
Tương tự, với khoản bổ sung khác thì chỉ những khoản được xác định cùng với tiền lương, có tính ổn định thì sẽ được làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội. Với các khoản bổ sung khác không xác định được ngay với mức lương và phụ thuộc vào kết quả lao động thì không tính đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2018.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Về cơ bản, lương của người lao động bao gồm 2 phần là phần cứng và phần mềm (phần gắn với năng suất). Rõ ràng phần gắn với năng suất thì hiện nay không đưa vào. Ví dụ tiền ăn trưa, tiền thưởng sáng kiến, thưởng năng suất hay là thưởng Tết thì không phải đóng. Ở đây phải đóng là những khoản ổn định thu nhập thường xuyên, có nghĩa là các khoản mà người lao động biết trước là chắc chắn được, chỉ có điều gọi là thu nhập khác"./.
Lĩnh BHXH “một cục”: Lợi hay thiệt?
Chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2019 - 2021 sẽ giảm dần