Tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai – vựa tiêu trọng điểm của cả nước với nguồn lợi thu được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm lại tiếp diễn tình trạng thương lái người Trung Quốc thông qua tiểu thương trên địa bàn thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu còn sống.

re-tieu.jpg
Điểm thu mua rễ tiêu ở Gia Lai

Trước đó, vào thời điểm này năm ngoái, Đài TNVN và một số phương tiện thông tin cũng đã phản ánh tình trạng thương lái Trung Quốc đến thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu không rõ mục đích, khiến người dân trong vùng bàn tán xôn xao, trong đó chủ yếu đặt nghi vấn về mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu. Hiện chính quyền và ngành chức năng huyện Chư Sê đã vào cuộc để kiểm soát tình hình, tránh những biến tướng nhằm hạn chế tác động xấu đến cây hồ tiêu – nguồn kinh tế chủ lực địa phương.

Từ đầu tháng 4 đến nay, tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê lại xuất hiện tình trạng người dân thu gom gốc và rễ cây hồ tiêu bán cho một số tiểu thương tại TP Pleiku, sau đó những tiểu thương này bán lại cho thương lái người Trung Quốc. Ông  Mai Xuân Dũng, ở thôn 4, xã Ia Blang, huyện Chư Sê (năm ngoái đã từng thu gom gốc và rễ tiêu bán cho tiểu thương ở Pleiku) cho biết, năm nay đối tác cũng yêu cầu chỉ mua gom gốc và rễ của cây hồ tiêu còn sống. Ông đã thu gom được khoảng 2 tạ và tiểu thương trả giá 45.000đồng/kg (thấp hơn năm ngoái 15.000đồng/kg), nhưng yêu cầu ông phải chở lên tới TP Pleiku thì mới mua.

Ông Dũng nói: “Người ta mua chỉ mua rễ sống, không tróc da. Còn rễ chết người ta không mua. Theo nhận xét của tôi thì tiêu chết rồi là không còn chất gì nữa”.

Ông Dũng cho biết, một tiểu thương ở TP Pleiku đã dẫn theo một thương lái người Trung Quốc tên là A Trung đi cùng một phiên dịch viên xuống gặp ông, giải thích mục đích thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu về để làm thuốc. Ông cũng đã báo cáo sự việc này cho Công an và chính quyền xã Ia Blang, huyện Chư Sê.

Việc tái diễn tình trạng thương lái người Trung Quốc thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu còn sống đã làm nông dân ở vựa tiêu Chư Sê hoang mang và rộ lên nhiều nghi vấn về những tiêu cực ẩn chứa phía sau. Trong đó, nghi vấn tập trung nhiều nhất vào việc gốc và rễ cây hồ tiêu, đặc biệt là những cây già cỗi tồn tại rất nhiều bệnh phổ biến của cây tiêu trong vùng, nếu việc thu mua nhằm mục đích nghiên cứu để chế ra các chế phẩm gây hại thông qua phân bón, thuốc trừ bệnh hay thuốc kích thích tăng trưởng … trên cây hồ tiêu thì hậu quả sẽ là khôn lường và lâu dài. Do đó, UBND huyện Chư Sê đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn cũng như Công an và các ngành chức năng vào cuộc ngăn chặn việc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu, tránh gây phức tạp tình hình an ninh trật tự cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên địa bàn.

Ngành NN-PTNT tỉnh Gia Lai cũng rất thận trọng và cảnh giác trước việc thương lái người Trung Quốc thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu còn sống. Bởi, Gia Lai hiện có trên 10.000 ha cây hồ tiêu, giá trị kinh tế mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nếu như tập trung vào phá hoại cây tiêu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế của địa phương. Do đó, từ năm ngoái, Sở NN-PTNT Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo ngăn chặn thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu còn sống.

Ông Kpă Thuyên, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Rõ ràng nếu như phá cây tiêu thì sẽ làm ảnh hưởng chung luôn cả kinh tế phát triển nông nghiệp của Gia Lai, phá vỡ cơ cấu cây trồng của Gia Lai. Do đó, trước hết chúng tôi cùng với ngành công an, cùng với huyện yêu cầu chỉ đạo các cơ quan quản lý chức năng quản lý ngay hộ gia đình thu mua, xác định những địa bàn đang tận thu mua đó ngăn chặn ngay tình trạng vận động bà con đào. Đồng thời cũng đã chỉ đạo huyện tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu rõ. Chúng tôi luôn luôn nắm tình hình để có thông tin kịp thời với các địa phương ngăn chặn việc này”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên nghĩ quá tiêu cực về vấn đề thương lái thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu. Vấn đề cơ bản là phải tìm hiểu rõ mục đích của việc thu mua. Nếu việc thu mua được sử dụng vào những mục đích tốt, như làm thuốc thì nên khuyến khích nông dân tiến hành thu gom và  bán những gốc và rễ của diện tích đang tái canh. Bởi vì, diện tích cây tiêu già cỗi (15-20 năm) ở Gia Lai cũng rất lớn, nếu tận dụng thu gom và bán cũng có thể góp thêm phần thu nhập cho nông dân.

Thực tế diện tích rễ tiêu già cần loại bỏ cũng rất lớn

Ông Lê Sỹ Quý, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, cho biết: “Trước mắt chưa hiểu mục đích như thế nào nên khuyên bà con dừng lại, để chờ các cơ quan khoa học vào cuộc xem tình hình thế nào. Sau khi chính thức có kết luận mục đích người ta mua chế biến làm gì, nếu có lợi thì mình nên bán để có thêm thu nhập”.

Vựa tiêu Chư Sê đang mang lại nguồn lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho địa phương. Việc thương lái người nước ngoài tiến hành thu mua gốc và rễ của loài cây này, nhưng chỉ mua của cây còn sống đang khiến nhiều người nghi ngại. Vấn đề nghi ngại là hoàn toàn có cơ sở để tránh việc lặp lại sai lầm như đã từng xảy ra đối với việc bán mèo, móng trâu, rễ hồi … đã từng diễn ra ở miền Bắc. Việc cảnh giác là cần, nhưng việc cần làm ngay là chính quyền và ngành chức năng cần phải làm rõ mục đích của việc thu mua. Qua đó có những giải pháp đối phó thích hợp, giúp nông dân trồng tiêu yên tâm, ổn định sản xuất và giúp vựa tiêu Chư Sê cũng như ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững./.