“Cuộc chiến” chống tác hại thuốc lá truyền thống vừa có “chút” thành quả…
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế: “Thuốc lá là nguyên nhân gây nên 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, có khoảng 40.000 người tử vong do thuốc lá. Bởi trong thuốc lá có hơn 7.000 chất độc gây nên các bệnh liên quan như: ung thư phổi, tăng huyết áp, đột quỵ. Thuốc lá cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên các căn bệnh về xơ vữa động mạch, suy tim, hen phế quản. Thuốc lá còn là nguyên nhân gây nên các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam như tăng huyết áp, tiểu đường… đây là nguyên nhân gây quá tải ở các bệnh viện của Việt Nam”.
Theo báo cáo của 1.041 bệnh viện trên toàn quốc, 70% người bệnh ở các bệnh viện hiện nay thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm và căn bệnh này đang trở thành đại dịch trên toàn thế giới, bởi số người mắc lớn, đặc biệt là lớp trẻ.
Ngày 18/06/2012, Chủ tịch Quốc hội khóa 12 đã ký luật phòng chống tác hại thuốc lá. Cùng với hoạt động truyền thông và các hoạt động khác trong cộng đồng, nhận thức của mọi người về tác hại của thuốc lá điếu tăng lên và tỷ lệ người hút thuốc lá cũng đã giảm đi. Trong thời gian vừa quan, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trong khu vực thành thị giảm rõ rệt từ 45,2% xuống 38,7%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể, giảm nhiều nhất ở khu vực trường đại học từ 54,3% xuống 37,9%; tỷ hệ hút thuốc lá ở các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 14,9%. Đó là những thành quả bước đầu mà chúng ta đã đạt được.
…thuốc lá điện tử lại đang nhen nhóm
“Tuy nhiên, bên cạnh thuốc lá điếu truyền thống, thuốc lá phi truyền thống như thuốc lá điện tử, shisha cũng đang bắt đầu tràn ngập vào thị trường Việt Nam, đặc biệt trong thanh thiếu niên và phụ nữ. Ở Việt Nam, các công ty sản xuất thuốc lá điện tử sử dụng hình thức quảng cáo bắt mắt, với các chiêu trò rất tinh vi, cùng với nội dung gây ấn tượng về công dụng của loại sản phẩm này. Theo đó người dùng thuốc lá điện tử sẽ ít hại hơn thuốc lá truyền thống hoặc có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Chính điều này đang đang trở thành mối hiểm họa cho công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam, đặc biệt trong phụ nữ và thanh niên. Tỷ lệ hút thuốc lá truyền thống của nữ giới đã giảm 1,2% trong nhiều năm qua, tuy nhiên tỷ lệ hút thuốc lá điện tử đã tăng lên 4%-7%, trong thanh thiếu niên đang có chiều tăng nhanh nhất”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.
Đa phần thuốc lá có chứa Nicotin, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15,500 các loại hương liệu). Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin/Glycerin gốc thực vật: khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Bên cạnh đó, có khoảng 15,500 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu được xem là các chất độc và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc, ngược lại bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sẽ có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, thậm chí nhiều người có thể sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu.
Kêu gọi mọi người chung tay đẩy lùi thuốc lá
Là người đã từng “nếm” qua thuốc lá điện tử, bạn Đặng Đức Hoàng (sinh viên) chia sẻ: “Vì tò mò nên tôi đã thử tới loại thuốc này. Loại thuốc lá này mang đến cảm giác dễ chịu, thoải mái, đây là cách xả stress rất hiệu quả. Bản thân tôi chỉ dùng một lần rồi từ bỏ, bởi nếu càng dùng lại càng nghiện, khi nghiện sâu sẽ gây nguy hại cho sức khỏe và khó từ bỏ được, nhất là khi mình đang còn là sinh viên”.
Là thế hệ thanh niên trẻ, bạn Đức Hoàng bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều chiến lược tuyên truyền về tác hại của thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử. “Bản thân tôi mong muốn giới trẻ sẽ cập nhật được những hệ lụy mà các loại thuốc lá mới, shisha…gây ra”.
Với bạn Vũ Ngọc Quỳnh (sinh năm 2001), chia sẻ rằng: “Thuốc lá điện tử đang là sản phẩm mới xâm nhập vào lứa tuổi thanh thiếu niên. Bản thân tôi nghĩ rằng bên cạnh cách truyền thông cũ như đeo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích…thì cũng cần các chiến dịch được tổ chức theo quý hoặc năm và có sự liên kết với các trường học, các đơn vị liên quan để xây dựng một môi trường không khói thuốc. Bên cạnh đó, các mức xử phạt cũng được đưa ra để tăng sức răn đe”.
Trước những tác hại khó lường của thuốc lá điện tử, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế kêu gọi mọi người cùng chung tay đẩy lùi thuốc lá và thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, ông Khuê cũng cho biết rằng: “Hiện nay ở Việt Nam, thuốc lá điện tử vẫn là sản phẩm chưa được cấp phép, chúng tôi cũng kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng để có những quy định phù hợp không cho phép lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam”./.