Thời gian gần đây trên mạng xã hội lan truyền thông tin người mắc Covid-19 thì không được tắm rửa, bệnh đang nhẹ mà tắm sẽ trở nặng. Thậm chí có thông tin được nhiều người chia sẻ rằng, có người nhà đang triệu chứng nhẹ, tắm vào sốt lên gần 39 độ C, SpO2 giảm 2 ngày liên tục sau đó còn 90-92 có lúc xuống 88,89. Bệnh nhân càng nặng hơn và được gia đình đưa vào viện thì chuyển biến nặng, có dấu hiệu "bão Cytokine".
Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Đạt, nguyên giảng viên Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, người đã từng điều trị cho hàng trăm Fo trong đợt dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và trong đợt dịch này tại Hà Nội, trong điều trị cho các bệnh nhân, anh chưa thấy có ai có hiện tượng mắc Covid-19 nhẹ mà khi tắm bệnh trở nặng. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, anh luôn lưu ý bệnh nhân nên vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bị bệnh, nhất là ngày thứ 5-7 (thời gian bệnh bùng phát mạnh) thì nên lau rửa người nhanh bằng nước ấm, không gội đầu bằng nước lạnh.
"Khi bị sốt mệt, nên tắm để cơ thể thoáng sạch, dễ chịu chứ không phải sốt là không tắm, lại càng làm cho người bệnh cảm giác bí bách, mệt mỏi. Nhưng lưu ý tắm bằng nước ấm và không nên tắm quá lâu"- bác sỹ Đạt nói.
Còn nói rằng đang triệu chứng nhẹ, tắm vào sốt cao và có dấu hiệu "bão cytokine", bác sỹ Đạt cho rằng hoàn toàn không có cơ sở.
Bác sỹ Đạt cho biết, hệ miễn dịch của cơ thể là một hệ thống được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và các cơ quan. Chúng phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh là vi trùng, vi sinh vật... Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, các tế bào miễn dịch được kích hoạt hoạt động để thực hiện chức năng của nó. Cytokines là các hoạt chất protein giống như hormone được chính các tế bào miễn dịch tạo ra và đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt hoạt động của các tế bào miễn dịch. Cytokines kích hoạt hoạt động của chính tế bào miễn dịch tạo ra nó và các tế bào miễn dịch xung quanh nó hoặc tế bào đích ở vị trí khác nhau trên cơ thể.
Với một lượng cytokines được tạo ra vừa đủ toàn bộ hoạt động của các tế bào miễn dịch được vận hành trơn tru và diễn ra thuận lợi, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động đúng chức năng, tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể sẽ bị tiêu diệt và bị loại bỏ.
Theo bác sỹ Đạt, trong trường hợp cytokines được tạo ra quá nhiều vì một lý do nào đó sẽ khiến các tế bào miễn dịch bị kích hoạt hoạt động quá mức, việc hoạt động vượt quá giới hạn cho phép của tế bào miễn dịch sẽ tạo ra các phản ứng trái ngược, gây hại cho cơ thể. Sự tăng bất thường này thường được gọi là “cơn bão cytokine”.
Bệnh nhân mắc "cơn bão cytokine" khá nguy hiểm vì dẫn đến rối loạn chức năng đa cơ quan như phổi, tim, gan, thận, hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống mạch máu và bạch huyết, hệ thống tiêu hóa, khớp, da….
Trong trường hợp thông tin lan truyền trên mạng mà nhiều người đang chia sẻ hiện nay cho rằng, tắm vào sốt cao và có dấu hiệu "bão cytokine", theo bác sỹ Đạt, có thể bệnh nhân này bị "cơn bão cytokine" không may tắm trùng hợp với ngày bệnh bùng phát, chứ hoàn toàn không có cơ sở để kết luận do tắm mà bị "cơn bão cytokine"./.