Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ trong vòng 2 năm, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tụt 16 hạng. Một trong nguyên nhân chính là do chất lượng kỹ năng nghề của lao động Việt Nam còn yếu. Rào cản hiện nay mà dạy nghề đang vướng phải chính là nhận thức chung của xã hội, coi nhẹ đào tạo lao động lành nghề mà chỉ hướng tới đào tạo đại học; chất lượng và cơ cấu đào tạo nghề chưa phù hợp với thị trường, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để thực hiện lộ trình đến năm 2015, các nước trong khu vực ASEAN công nhận khung tham chiếu trình độ của nhau, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thành sửa đổi Luật Dạy nghề, tạo ra tầm nhìn chiến lược hơn trong việc phát triển lực lượng lao động. Hệ thống dạy nghề là một trong những yếu tố để xây dựng mục tiêu phát triển đất nước. Phóng viên VOV online phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi.

ong-phi.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi (Ảnh: Lại Thìn)

Việt Nam chưa làm tốt việc phân luồng dạy nghề

PV: Theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng đào tào nghề của chúng ta còn yếu?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi:Theo đánh giá, chất lượng tăng trưởng của chúng ta còn thấp, trong đó có nguyên nhân năng suất lao động thấp, cụ thể là kỹ năng của người lao động yếu. Việt Nam có 51 triệu người ở độ tuổi lao động, đây là cơ hội dân số vàng. Nhưng nếu chúng ta không khai thác được nguồn lực này sẽ rất thiệt thòi và lãng phí cho đất nước. Vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo nhân lực hiện nay là sức mạnh dân tộc phải gắn với năng suất lao động.

Trong đào tạo nói chung, dạy nghề nói riêng, đầu vào rất quan trọng. Ở nước ta, các bậc phụ huynh đều muốn con em mình vào đại học. Nhưng ở nhiều nước phát triển, họ đã có sự phân luồng rất sớm và rõ ràng. Học sinh học trung học cơ sở, trung học phổ thông rồi chuyển sang học nghề. Sau đó, Nhà nước có cơ chế đào tạo liên thông để người học tiếp tục học cao hơn như đại học, thậm chí tiến sỹ.

Chúng ta chưa phân luồng được tốt, cho nên có sự không tương thích giữa lao động trong học nghề với giải quyết năng suất lao động trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên chưa đạt yêu cầu. Giáo viên dạy nghề là giáo viên tích hợp, giỏi về lý thuyết nhưng thực hành lại kém; cơ sở vật chất cũng chưa tương thích với ngành nghề đào tạo.

Dạy nghề trồng nấm cho lao động nông thôn (Ảnh: Lại Thìn)

Người học chưa thực sự tâm huyết, bởi chính sách đối với người học làm chưa tốt, ví dụ, học viên ra trường có tay nghề cao, nhưng lại được nhận mức lương thấp. Bên cạnh đó, trang thiết bị cho công tác dạy nghề còn lạc hậu.

Tôi rất đồng tình với việc báo chí đã phản ánh, đó là có tình trạng chất lượng dạy nghề ở nhiều địa phương rất kém, dạy nghề cho nông dân chưa đến nơi đến chốn, người dân sau học nghề không có việc làm, việc tổ chức dạy nghề làm theo hợp đồng là chính, mang tính dịch vụ mà chưa thấy lương tâm trách nhiệm của những người tổ chức dạy nghề, người dạy và cơ quan quản lý Nhà nước là chính quyền địa phương.

Nhiều trường dạy nghề hiện nay không tuyển sinh được học viên. Nguyên nhân một phần là đội ngũ giáo viên chưa tốt, quản lý Nhà nước yếu kém; kiểm định chất lượng, đánh giá kỹ năng nghề chưa tốt. Theo tôi, trước hết cần khắc phục từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, cao hơn là tác động vào ý thức hệ cho xã hội thấy tầm quan trọng của dạy nghề và học nghề.

Chính vì lẽ đó, Quyết định 630 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/5/2012 đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó coi quản lý Nhà nước và đào tạo giáo viên là khâu đột phá.

Học đại học mới có “danh”

PV: Tại sao người dân chưa thực sự mặn mà với việc học nghề, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi:Chỉ tiêu chiêu sinh của nhiều trường hiện nay không đạt yêu cầu. Nguyên nhân do thông tin đến người học chưa nhiều, cho nên còn ít học sinh lựa chọn học nghề mà các em muốn vào đại học, cao đẳng là chính. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT gia hạn thời gian chiêu sinh đến tháng 12, vì thế học sinh vẫn chờ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 để vào đại học, sau đó mới tính đến học nghề.

Chúng ta vẫn nặng về quan niệm phải vào đại học mới có danh, nhưng không nhận thức được rằng, đóng góp cho xã hội bằng năng lực, kiến thức, bàn tay của mình là hết sức quan trọng. Cho nên cần đổi mới quan niệm về cái “danh” và “thực” trong xã hội hiện nay.

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng chưa đạt chỉ tiêu. Có hai nguyên nhân, đó là: các địa phương bị động về ngân sách và do việc siết chặt quản lý chất lượng. Công tác đào tạo nghề cần xác định dạy ai thì được người đó, không đào tạo tràn lan; đào tạo xong phải có việc làm và mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là lao động phải có kiến thức, kỹ năng về sản xuất, làm sao để năng suất lao động cao hơn, từ đó thu nhập sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, sau đào tạo phải từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn từ làm ruộng sang làm dịch vụ hoặc làm nghề truyền thống, làm việc tại các khu công nghiệp và điều quan trọng là mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Do việc siết chặt chính sách cho nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong hoàn thành chỉ tiêu.

Phương châm “dạy ai được người đó”

PV: Thời gian tới, việc đào tạo lao động nông thôn sẽ tiếp tục hướng tới những mục tiêu gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi: Quyết định 630 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định, đào tạo ai được người đó và phải gắn với việc làm. Chúng tôi hướng tới hai cách làm là đào tạo theo đơn đặt hàng và cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn phải dự báo được xu hướng việc làm. Ví dụ, một xã đào tạo về chăn nuôi thì phải xác định nuôi gia súc hay gia cầm, thời gian bao lâu, học về có áp dụng ở địa phương được không…

Chính quyền xã phải vào cuộc, cùng với huyện, thực hiện quy hoạch ngành nghề đào tạo để người dân biết được và theo học. Điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp phải đặt hàng với các cơ sở dạy nghề lao động nông thôn.

Nhiều địa phương không làm tốt công tác này, do đó người dân không tin vào chương chình dạy nghề, cho nên không mặn mà tham gia. Cái này thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đúng là hiện nay vẫn có tình trạng khi tổ chức học nghề ở địa phương thì hôm nay người này, ngày mai người khác tới học, chủ yếu để ghi danh lấy tiền bồi dưỡng. Đối tượng có khi là người già, trong khi người trực tiếp sản xuất lại không học. Chúng tôi đã phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh. Theo đó, dứt khoát cấp xã phải quy hoạch được vùng sản xuất, đặt hàng với doanh nghiệp để dạy ai được người đó, có đánh giá bằng thi cấp chứng chỉ; quản lý chặt chẽ bằng cách thi đạt yêu cầu, cấp chứng chỉ rồi mới phát tiền bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, các nghệ nhân, làng nghề, doanh nhân cũng được tham gia đạo tạo nghề, miễn là có phương pháp sư phạm; doanh nghiệp có điều kiện vẫn được đào tạo nghề theo quy định./. 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi: Mối quan hệ đào tạo nghề hiện nay có 4 chủ thể quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp (người trực tiếp quản lý và sử dụng lao động) và cuối cùng là người học – người trực tiếp lao động. Chúng ta làm sao phải hình thành được mối quan hệ chặt chẽ thực tế như cơ sở đào tạo là nhà máy, người giảng dạy là người điều hành sản xuất, sản phẩm của nhà máy là người học. Nếu giải quyết được phương châm như vậy, chúng ta sẽ có được sản phẩm tốt, chứ không thể rời rạc như hiện nay.