Muốn giải quyết vấn đề rác sinh hoạt, cần phân loại tại nguồn
Đại diện Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT cho biết, để giám sát phân loại rác tại nguồn, xả rác đúng quy định, ngoài sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng, và không loại trừ khả năng dùng đến camera để tăng tính khả thi triển khai phân loại rác tại nguồn theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Đại diện Tổng cục Môi trường vừa trao đổi về những quy định mới nhất trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) có những điểm mới là thúc đẩy phân loại rác tại nguồn.
Hiện nay, tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao, một trong các nguyên nhân là rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với VOV.VN, chuyên gia về môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, hiện nay, công nghệ xử lý ra ở Việt Nam đang áp dụng chủ yếu là chôn lấp, lạc hậu (chiếm tới hơn 90% rác thải sinh hoạt ở Việt Nam thải ra).
TS. Hoàng Dương Tùng cho biết: “Hiện các nước trên thế giới ngày càng hạn chế sử dụng việc chôn lấp rác (trừ những thứ không thể xử lý và tận dụng được) thay vào đó là phân loại rác tại nguồn, áp dụng những công nghệ mới hiện đại, thân thiện với môi trường,… phổ biến là các nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng nhưng không gây ô nhiễm môi trường, khí thải được xử lý một cách bắt buộc.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, mấu chốt vấn đề là phải phân loại rác tại nguồn, qua đó vừa giảm thiểu rác thải lại có thể tái chế được. Nhiều nơi ở nước ta hô hào phát triển kinh tế tuần hoàn, nhưng chưa phân loại được rác, công tác thực hiện còn rất yếu. Các công nghệ đốt rác thu lại năng lượng ở thời điểm này là phù hợp, tuy nhiên phải có yêu cầu bắt buộc là xử lý được khí thải, có hệ thống quan trắc khí thải để kiểm soát. Nếu không làm được coi như sử dụng công nghệ mới vừa tốn tiền mà mức ô nhiễm lại như nhau. Hiện nay, đang có nhiều công nghệ khác nhau trên thị trường để xử lý rác, nhưng phải lựa chọn công nghệ nào phù hợp, cần phải được kiểm chứng và yếu tố tiên quyết là phải bảo vệ môi trường. Khi áp dụng, doanh nghiệp cung cấp phải cam kết chất lượng và những yêu cầu trên. Kiểm soát mạnh mẽ những hoạt động này. Nhà nước cần đưa ra các yêu cầu khắt khe, cần thanh tra, kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện cần có biện pháp xử lý kịp thời.
Cũng theo TS. Hoàng Dương Tùng: “Phần lớn công tác xử lý rác thải ở nước ta hiện nay do Nhà nước bao cấp hoặc theo hợp đồng với Nhà nước, tính phí theo tấn rác. Đã có thời người ta còn lén phun nước vào xe rác để cân rác cho nặng hơn. Nhận tiền xong thì trách nhiệm xử lý giảm đi,… không hiệu quả. Hạn chế đó một phần do có sự bao cấp của Nhà nước”.
“Nhiều người hay nói trong rác là tiền. Việc cứ để Nhà nước bao cấp sẽ dễ nảy sinh cơ chế xin - cho. Chuyện không công khai minh bạch, để cho người dân đóng góp quá ít, không theo nguyên tắc người gây ô nhiễm nhiều phải trả tiền nhiều,... khiến người dân vô tư xả rác, không quan tâm đến việc phân loại rác tại nguồn cho đơn vị xử lý. Đã đến lúc người dân phải có trách nhiệm hơn như tăng đóng góp chi phí xử lý rác. Ví dụ đóng tiền tăng lên,... Từ đó, giúp giảm lượng rác thải ra, ý thức hơn trong việc phân loại,… qua đó giúp giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, tiền đó bù vào quá trình vận chuyển và xử lý. Cần giảm dần bao cấp của Nhà nước, công khai minh bạch trong công nghệ, những nguồn thu chi trong vận chuyển, xử lý rác. Người dân có quyền yêu cầu công khai minh bạch, nhất là trong việc lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ, từ đó có thể được yêu cầu chất lượng tốt hơn", TS. Hoàng Dương Tùng đề xuất.
Cuộc cách mạng trong xử lý rác sinh hoạt
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, GS-TS Đặng Kim Chi cho rằng, dự thảo Luật lần này đã cập nhật theo hướng hiện đại, đặc biệt có những điểm mới mang tính đột phá.
Theo GS.TS Chi, đã có những đổi mới trong phần quản lý chất thải, và có tính cách mạng. “Chưa bao giờ chúng ta thu phí theo khối lượng xả ra, luật này đưa ra vấn đề thu phí theo khối lượng rác - đây là điểm mới tích cực. Do từ trước đến nay thường không phân loại rác tại nguồn, khi đưa yêu cầu phân loại rác tại nguồn là bước tiến tích cực, nếu Luật được thông qua và đi vào cuộc sống sẽ thu lại được những phần rác có thể phân loại tái chế, biến nó thành phân sinh học đóng góp cho nông nghiệp. Đã đến lúc chúng ta không chỉ dùng phân bón hóa học, giảm diện tích dùng cho chôn lấp. Các hộ gia đình sẽ phải trả tiền cho việc đổ chất thải, việc này khiến họ phải có ý thức hơn về khối lượng chất thải bỏ ra, lượng chất thải sẽ giảm đi”, GS-TS Chi nhấn mạnh.
Theo GS-TS Đặng Kim Chi, nếu chỉ áp dụng công nghệ chôn lấp rác như hiện nay thì sẽ đến một lúc không còn đất để chôn lấp nữa.
Theo GS-TS Chi: “Mặc dù dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là quy định có tính “cách mạng” trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay. Tuy nhiên, để quy định đi vào thực tế, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước đây, việc thí điểm phân loại rác tại nguồn được thực hiện ở nhiều nơi nhưng không hiệu quả do thiếu tính đồng bộ từ khâu thu gom đến xử lý. Phân loại xong nhưng lại thu gom chung một xe hoặc đổ chung một chỗ. Cần phải đồng bộ hóa các khâu từ thu gom, vận chuyển đến lựa chọn công nghệ xử lý cho từng loại rác đã được phân loại. Có thực hiện được phân loại rác tại nguồn hay không còn phụ thuộc vào nhận thức của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đóng vai trò rất quan trọng. Ở nhiều nước tiên tiến, việc giáo dục môi trường, trong đó có phân loại rác tại nguồn, được đưa vào chương trình giáo dục. Quy định về phân loại rác tại nguồn cũng như công nghệ xử lý cần được triển khai một cách linh hoạt theo từng địa phương, dựa trên đặc điểm về địa hình, dân cư, sự phát triển kinh tế - xã hội. Cần giao quyền cho UBND các tỉnh trong vấn đề phân loại và xử lý rác, để thực hiện linh hoạt theo đặc thù ở từng địa phương”.
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay, tại các địa phương, trường học đã hình thành nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn hiệu quả, phù hợp đặc điểm của từng địa phương. Vì vậy, cần tuyên truyền, khuyến khích và nhân rộng các mô hình điển hình tích cực để hoạt động phân loại rác tại nguồn thực sự đi vào cuộc sống./.