Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh những lợi ích có thể đo đếm được, việc đưa hệ thống thu phí ETC vào khai thác cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như: giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ cho chủ phương tiện, tiết kiệm chi phí bảo trì đường bộ cho Chủ đầu tư, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt… Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, Nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại…
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: Hệ thống thu phí không dừng không những giảm thời gian lưu thông qua trạm thu phí, giảm ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tăng cường sự minh bạch trong công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm chi phí cho xã hội. Ngoài ra, việc thực hiện thu phí ETC cũng mang lại những lợi ích gián tiếp như: tiết kiệm chi phí bảo trì đường bộ cho chủ đầu tư, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt; giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ cho chủ phương tiện. Cùng với đó, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, Nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước...
Đến nay, sau hơn một tuần thực hiện thu phí tự động không dừng trên cao tốc ở phạm vi cả nước, ông Tô Nam Toàn cho biết, theo đánh giá ban đầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, công tác vận hành hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí cơ bản ổn định, không phát sinh các tình huống phức tạp.
Các đơn vị vận hành đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và các lực lượng chức năng có liên quan tổ chức thu phí điện tử không dừng, xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo giao thông tại trạm thu phí được thông suốt.
Tuy nhiên, tại một số trạm thu phí vẫn còn phát sinh một số lỗi trong những ngày đầu áp dụng thu phí ETC. Theo ông Toàn, các lỗi phát sinh sau một tuần triển khai được phân ra làm 2 nhóm lỗi. Trong đó nhóm lỗi chủ quan của chủ phương tiện như chưa dán thẻ đầu cuối trước khi vào tuyến, không có hoặc không đủ số dư trong tài khoản.
“Nguyên nhân do nhiều chủ phương tiện chưa nắm được chủ trương về thực hiện thu phí không dừng toàn bộ trên các tuyến cao tốc nên đến trạm thu phí mới dán thẻ vì vậy tài khoản chưa được kích hoạt kịp thời; chủ phương tiện không kiểm tra số dư tài khoản giao thông trước khi vào cao tốc, đến trạm thu phí mới nạp tiền nên có trường hợp tiền chưa kịp về tài khoản”, ông Toàn thông tin.
Đối với các lỗi chủ quan của hệ thống thu phí, phần lớn là do hệ thống thiết bị tại trạm không đọc được thẻ vì nhiều chủ phương tiện dán thẻ đã lâu nhưng chưa sử dụng dịch vụ nên thẻ bị suy giảm chất lượng, thẻ bị dán sai quy cách.
Về lỗi khách quan, theo ông Toàn đánh giá là do các chủ phương tiện, đặc biệt là các chủ phương tiện mua lại các xe cũ nên không biết chủ phương tiện trước đã dán thẻ hoặc do mất thẻ cũ nên việc dán lại thẻ cũng gặp khó khăn.
“Đối với trường hợp này, chủ phương tiện nên tìm hiểu thông tin với chủ phương tiện cũ và liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để được hỗ trợ chuyển đổi tài khoản hoặc dán thẻ mới”, ông Toàn khuyến nghị.
Nêu quan điểm trước việc hiện chỉ có quy định xử phạt đối với chủ phương tiện, còn lỗi của bên cung ứng dịch vụ chưa được đề cập, ông Tô Nam Toàn cho biết, Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải về trạm thu phí đường bộ có quy định, các trạm thu phí gây ra lỗi để ùn tắc sẽ phải xả trạm, nhà cung cấp dịch vụ ETC có trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư BOT.
Cũng theo ông Toàn, hiện cơ sở pháp lý cao nhất của thu phí điện tử không dừng là Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét sửa đổi theo hướng nâng quyết định này lên thành Nghị định. Khi đó sẽ quy định chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động ETC, làm cơ sở để xử lý trách nhiệm các bên, có chế tài xử phạt cụ thể.
“Chúng tôi cũng nhận thấy cần phải nâng cấp cơ sở pháp lý này. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã họp và dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 8 này sẽ tổ chức sơ kết hoạt động thu phí điện tử không dừng, đặc biệt là sơ kết thực tiễn thu phí điện tử không dừng toàn bộ các tuyến đường cao tốc. Qua đánh giá sơ kết này cũng sẽ là cơ sở để báo cáo Chính phủ đề nghị cho phép xây dựng một nghị định về hoạt động thu phí bị điện tử không dừng”, ông Toàn thông tin.
Về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị vận hành, các nhà cung cấp dịch vụ cũng như phối hợp với các cơ quan có liên quan đánh giá các bất cập trong hoạt động thu phí điện tử không dừng. Đồng thời sẽ thực hiện việc ghi nhận các phản ánh từ các chủ phương tiện, dư luận xã hội để từ đấy phân tích, tìm hiểu các nguyên nhân của những bất cập này.
“Chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị vận hành các nhà cung cấp dịch vụ phải có giải pháp để khắc phục ngay các lỗi chủ quan, cung cấp làm rõ thông tin để người dân hiểu hơn về dịch vụ thu phí điện tử không dừng”, ông Toàn cho biết. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường nhân lực trực các đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ giải đáp thông tin cho các chủ phương tiện. Rất nhiều đường dây nóng cũng được cung cấp công khai để khi cần thiết trực tiếp hỗ trợ cho người dân hoặc cung cấp thông tin cho các chủ phương tiện, giúp họ hiểu hơn về dịch vụ này.
Đồng thời, để đảm bảo lợi ích cho cả chủ đầu tư và người tham gia giao thông, ông Toàn cho biết, về lâu dài, thu phí không dừng cần chuyển sang hình thức trả sau.
“Trong quá trình triển khai thu phí điện tử không dừng có lộ trình 6 bước. Sau giai đoạn trả trước sẽ chuyển sang trả sau. Khi thực hiện được trả sau sẽ bỏ được barie”.. Theo ông Toàn, sở dĩ hiện nay chưa thực hiện được hình thức thanh toán trả sau đối với dịch vụ thu phí không dừng bởi 2 vướng mắc. Đầu tiên là quy trình thanh toán giữa nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và ngân hàng. Sau khi nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thu được tiền trong ngày phải chuyển tiền cho nhà đầu tư BOT. Tiếp đó, nhà đầu tư BOT chuyển cho ngân hàng để trả nợ. Nếu chuyển sang trả sau, thông thường chu kỳ mất 30 ngày mới thanh toán. Việc chậm chu kỳ thanh toán sẽ phải đàm phán lại tất cả các hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án. Về mặt kỹ thuật, hệ thống thu phí không dừng hiện nay đã đáp ứng được cho việc trả sau, nhưng đang vướng mắc về hành lang pháp lý.
Cho đến thời điểm này, đã có hơn 3,5 triệu xe trên toàn quốc dán thẻ đầu cuối (đạt gần 76%), tăng gần 1,2 triệu phương tiện so với thời điểm cuối năm 2021. Với tốc độ này, ông Toàn cho rằng việc đạt tỉ lệ trên 80% vào cuối tháng 8 là rất khả thi. Đặc biệt, qua một tuần triển khai dù còn những bất cập tồn tại, nhưng với sự ủng hộ của đông đảo người dân, doanh nghiệp cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý, tinh thần cầu thị của các nhà cung cấp dịch vụ thì chắc chắn trong thời gian tới, hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng./.