Trong căn phòng chỉ vỏn vẹn trong 8m vuông gần 3 năm qua gia đình chị Nguyễn Thị Thiệp, Công ty TNHH Canon Việt Nam gồm 2 vợ chồng và hai con nhỏ vẫn phải thuê trọ để có chỗ chui ra, chui vào hàng ngày. Không đủ chỗ sinh hoạt cho 4 người, mấy tháng gần đây, do phòng cuối dãy, gia đình chị đã tận dụng, cơi nới thêm khoảng sân để làm khu bếp nhỏ cho gia đình. Mặc dù nhỏ bé như vậy, nhưng mỗi tháng cộng cả tiền điện, nước, thuê nhà, gia đình chị cũng phải trả chi phí đến 1,5 triệu đồng, trong khi đó nếu được ở tại các khu nhà ở cho công nhân thì chi phí này sẽ thấp hơn gấp nhiều lần. Do đó để có thể tiếp tục bám trụ, chị luôn phải đau đầu cân đối chi tiêu trong sinh hoạt để lo cho gia đình và hai con nhỏ.
"Thuê ngoài rất vất vả, có hai con nhỏ, đời sống bây giờ cái gì cũng tăng, rất là khó khăn, trong khi lương công nhân không được là bao nhiêu"- chị Thiệp nói.
Những hộ gia đình như chị Nguyễn Thị Thiệp không phải là hiếm tại các khu nhà chật hẹp ở đây. Nhiều công nhân cho rằng, nhà ở cho công nhân với nhiều tiện lợi, tuy nhiên đối với công nhân mới đi làm sẽ rất khó có thể xin vào ở bởi những khu nhà này thường xuyên kín chỗ. Do vậy, rất nhiều công nhân phải chấp nhận thuê trọ bên ngoài nhà dân dù điều kiện sinh hoạt không bằng. Tâm tư chung của họ đều mong được ở khu nhà công nhân có đầy đủ về thiết chế y tế, văn hóa... qua đó cũng giảm được rất nhiều chi phí sinh hoạt hàng ngày và có dành dụm được một khoản trang trải lo cho cuộc sống.
Chị Phùng Thị Liễu và anh Trần Văn Vĩnh, công ty Asahi, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long bày tỏ: Ở ngoài thế này rõ ràng là tốn kém hơn rất nhiều, nhiều công ty cũng có nhà ở cho công nhân, nhưng hiện tại doanh nghiệp mình vẫn chưa có.
Nếu được ở khu nhà công nhân, là trụ cột gia đình có thể dành dụm thêm được một khoản để lo cho các con, ở thuê ngoài như thế này bao nhiêu là chi phí. Mong muốn công ty có thêm nhà cho người lao động để giảm chi phí".
Về thực tế này, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Ban- Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội, hiện tại trên địa bàn thành phố có 9 khu công nghiệp, nhưng mới có 4 KCN có thể đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho công nhân và tổng số nhà công nhân hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/5 trên tổng nhu cầu thực tế. Nêu nguyên nhân về sự thiếu hụt này ông Tuấn cho hay, hơn 20 năm về trước, khi triển khai phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản mới chỉ quan tâm, chú trọng đến vấn đề xây dựng khu công nghiệp, phục vụ cho các hoạt động sản xuất. Hầu hết các nhà đầu tư mới chỉ chú trọng đến việc xây dựng các nhà xưởng, nhà kho, hoạt động logictic…trong khi đó, đối với nhu cầu nhà ở xã hội công nhân lại bị “sao nhãng”. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu nay đang là một vấn đề rất bức thiết, đang đòi hỏi yêu cầu nhà nước phải có cơ chế tháo gỡ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về cơ chế, chính sách thuận lợi để xây dựng các khu nhà ở cho công nhân:
Để kêu gọi thu hút nhà đầu tư và đầu tư xây dựng khu nhà công nhân thì hiện nay các cơ chế chính sách còn đang rất hạn chế. Trong thời gian sắp tới thì thành phố Hà Nội dự kiến sẽ triển khai thêm 2 cho đến 14 khu nghiệp nữa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới tất cả các khu công nghiệp mới khi đưa vào khai thác triển khai phê duyệt quy hoạch, chúng tôi đều quy định bắt buộc phải bố trí quỹ đất để dành cho công nhân.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy vậy, hầu hết các khu công nghiệp đều chủ yếu tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chú trọng lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động. Trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đã đặt các doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn, đặc biệt là qua đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại một số tỉnh phía Nam đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này càng cho thấy, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP SHINEC, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Thành phố Hải Phòng cho rằng, cần thay đổi tư duy xây dựng khu nhà ở cho công nhân, cũng như giảm tải thủ tục hành chính trong triển khai thủ tục pháp lý cho việc hình thành khu công nghiệp. Ông Phạm Hồng Điệp nêu ý kiến: "Chúng ta muốn thu hút được nhiều giá trị đầu tư cho đất nước, Luật đất đai, cũng như tất cả Luật về đầu tư phải tích hợp được với nhau và nó có sự thống nhất. Qua Covid 19 chúng ta đều thấy một vấn đề, lực lượng lao động là một trong những lực lượng quan trọng, lao động mà không có nhà ở, thì khi chúng ta quản lý lực lượng này sẽ rất khó".
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điển, cần chính sách đồng bộ để xây dựng nhà ở công nhân. Theo đó, Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó xem xét, bổ sung một gói để thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân. Ông Thọ nhấn mạnh yêu cầu, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê.
Theo đó, quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê và bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở; có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân lao động, để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn.
Việc triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp thì cần có quy hoạch tổng thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc phải bố trí nhà ở cho công nhân trong bối cảnh hiện nay để phù hợp với các yêu cầu công tác ứng phó với những tình trạng khẩn cấp như vừa rồi xảy ra đối với cả các trường hợp Covid- 19. Tuy nhiên là cần phải có quy hoạch đồng bộ tổng thể cần phải có sửa đổi đồng bộ thì chúng ta mới có thể triển khai cái này thành công.
“An cư mới lạc nghiệp” khi xảy ra thiên tai dịch bệnh, vấn đề ổn định chỗ ở đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho lực lượng lao động trong doanh nghiệp trở nên cấp thiết hơn. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, yêu cầu đặt ra là việc xây dựng quy hoạch khu công nghiệp hiện nay cần phải đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất. Từ đó để thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện./.