Chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) Trần Hồng Hà giải trình trước Quốc hội về những vấn đề về cảnh báo thiên tai, quản lý đất đai...đang được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Bộ trưởng Bộ TN & MT đồng tình với các ý kiến nhận định của các đại biểu Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua có một phần do công tác dự báo chưa chủ động, dự đoán chưa chính xác về lượng mưa, lũ ống, lũ quét.

Bên cạnh đó nguyên nhân thiệt hại lớn do thiên tai còn do tình trạng bị mất rừng và công tác quy hoạch, bố trí dân cư vào những vùng bị thiên tai...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay trên thế giới, công tác dự báo lượng mưa, lũ quét, sạt lở đất mới chỉ thực hiện trên diện rộng nhưng dự báo trên khu vực cụ thể còn hạn chế. Và Việt Nam cũng trong xu thế đó.

bo_truong_tran_hong_ha_mamv.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Quochoi.vn)

Để khắc phục những bất cập trên, trong thời gian tới, Bộ TN & MT cho rằng, cần triển khai khẩn trương Luật Khí tượng thủy văn, trong đó nhấn mạnh đến việc huy động các thành phần kinh tế tham gia.

Ngoài ra, cần rà soát bản đồ dự báo lũ ống, lũ quét nên rất cần sự phối hợp giữa các Bộ ngành với địa phương trong việc rà soát những bản đồ này. Mục đích là để bố trí lại dân cư; bố trí, chuyển đổi lại mô hình sản xuất theo hướng bền vững hơn.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc phải coi cơ chế về môi trường rừng, sử dụng tài nguyên nước gắn với vấn đề sinh kế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Song song với đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện cơ chế “4 tại chỗ”mà trong thời gian nước ta đã ứng phó rất tốt với những cơn bão rất mạnh như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

Quản lý đất đai luôn tính đến quyền lợi của người dân

Về vấn đề quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang sơ kết Nghị quyết 19 đối với các chủ trương, chính sách về đất đai; đồng thời xem xét giải quyết những vấn đề về tích tụ đất đai; đền bù, giải tỏa khu tái định cư, giá đất theo thị trường...

Bộ TN&MT cho rằng, việc tích tụ và tập trung đất đai là một trong những điều kiện để tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ đang tính đến liên kết đất đai với các xã, doanh nghiệp đứng ra tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mô hình sản xuất, liên kết sản xuất sẽ quyết định đến yếu tố tích tụ hay tập trung đất đai. Dù là triển khai theo mô hình nào thì Bộ cũng tính đến quyền lợi chính đáng của người dân về sinh kế và lợi ích lâu dài.

Về vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên, Bộ TN&MT đang tập trung vào trách nhiệm của các địa phương có biên giới liền kề với khu vực khai thác khoáng sản cũng như chấn chỉnh việc khai thác không theo quy hoạch, không theo quy hoạch; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tại các địa bàn đó cũng như các Bộ ngành liên quan.

Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ TN&MT xây dựng Nghị định liên quan đến việc quản lý, khai thác cát sỏi ở bờ sông và đặc biệt cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn ở bờ biển.

Cùng với việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất, những cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nên được đưa cụ thể vào Luật Bảo vệ môi trường./.