Thí sinh cần rà soát kỹ điều kiện khi làm bài thi Toán
Với kinh nghiệm gần 20 năm ôn thi cho học sinh lớp 9 vào 10 tại Hà Nội, TS Đỗ Viết Tuân, giáo viên Toán tại Trung tâm Edufly cho rằng, trong giai đoạn nước rút, học sinh nên giảm bớt thời gian học thêm, tránh học thêm tràn lan, thay vào đó, các em nên dành thời gian luyện các dạng bài thi vào lớp 10 để hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học, hiểu rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
“Trong thời gian này, các em nên cố gắng học đến đâu chắc đến đó. Theo kinh nghiệm ôn luyện tại Edufly, trong giai đoạn nước rút, các thầy cô sẽ tăng tốc luyện đề, chỉ ra cho các em những phần đang sai lầm, nhấn mạnh vào nội dung đó để học sinh có thể sửa các lỗi cả về trình bày và kiến thức. Với những học sinh yếu hơn, thầy cô thường tách lớp để dạy 1 thầy 1 trò cho đến khi các em thi vào 10. Với cách làm này, nhiều học sinh khóa trước đã đạt điểm cao trong kỳ thi vào 10”, TS Đỗ Viết Tuân cho biết.
Theo thầy Tuân, khi kỳ thi đang đến gần, việc hệ thống lại kiến thức là rất quan trọng, muốn vậy, thí sinh cần luyện đề hàng ngày. Với cùng một nội dung nhưng các em nên làm các dạng bài với những cách hỏi khác nhau. Việc luyện đề sẽ giúp thí sinh rút ra kinh nghiệm, nhận biết được những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
“Với nhiều bài toán đơn giản, nhưng nhiều em lại bị mất điểm vì xác định thiếu điều kiện, việc làm đề sẽ giúp các em tiếp cận được với đề thi thực tế tốt nhất, rèn luyện cả về kiến thức và kỹ năng trình bày”, TS Đỗ Viết Tuân nói.
TS Đỗ Viết Tuân cũng khuyên thí sinh trước mỗi kỳ thi nên tham gia các đợt thi thử để hiểu rõ hơn về năng lực bản thân. Hàng năm, tại Edufly đều tổ chức khoảng 3 đợt thi thử, trong đó đợt 1 sẽ tổ chức khi kết thúc học kỳ 1, đợt 2 vào khoảng tháng 3 và đợt cuối vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5.
Đưa ra lời khuyên trong quá trình làm bài thi môn Toán, TS Tuân cho rằng, để đạt kết quả cao nhất, thí sinh nên chú trọng vào các câu hỏi cơ bản, cố gắng “ăn trọn” điểm ở những câu này. Một số câu hỏi mang tính chất “bẫy” thường là câu 1C, 2B. Trong quá trình làm bài, thí sinh cần đặc biệt lưu ý về điều kiện, đối chiếu điều kiện, đảm bảo làm đủ bước.
“Qua quan sát đề thi Toán vào 10 các năm có thể thấy, thông thường đề có khoảng 60% kiến thức cơ bản, thí sinh thường mất khoảng 45-60 phút để đạt được 6 điểm này. Thời gian còn lại để dành được 3-4 điểm cho học sinh khá, giỏi và xuất sắc. Tuy nhiên, khi làm bài các em không nên đặt mục tiêu quá cao đầu tư nhiều thời gian vào các câu chặn điểm quá sức, thay vào đó nên làm cẩn thận, rà soát kỹ các bước để đạt điểm cao nhất có thể”, TS Đỗ Viết Tuân lưu ý.
Nên luyện đề theo đúng thời gian thi
Với môn Ngoại ngữ, Ths Đỗ Hồng Liên, Giảng viên ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), người có kinh nghiệm nhiều năm ôn thi cho học sinh lớp 9 vào 10 tại Trung tâm Edufly cho biết, qua các năm, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh thường nằm trong chương trình SGK, đặc biệt là chương trình lớp 8, 9. Do đó, trước khi ôn luyện các chủ điểm kiến thức nâng cao, thí sinh nên tập trung ôn tập các kiến thức cơ bản có trong SGK về ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, trọng âm và một số chủ điểm giao tiếp. Ngoài ra các em cũng nên tự luyện một số đề thi các năm trước, tự phân tích để biết những lỗi sai, điểm yếu của bản thân và tập trung khắc phục những điểm đó.
Về kỹ năng làm bài, theo Ths Đỗ Hồng Liên, trước các kỳ thi, thí sinh cần tìm hiểu kỹ cấu trúc, thời lượng cũng như định lượng câu hỏi để tránh bỡ ngỡ và chủ động hơn khi làm bài. Ngoài ra trong giai đoạn nước rút, thí sinh nên luyện đề theo thời gian tiêu chuẩn để làm quen với áp lực phòng thi.
“Khi làm bài, không nhất thiết các em phải làm theo thứ tự từ đầu đến cuối, mà có thể ưu tiên làm những câu dễ trước, câu khó sau, như vậy có thể hoàn thành được tối đa số câu trong thời gian quy định. Ngoài ra, các em cũng nên chuẩn bị một tâm lý tự tin, vững vàng, dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Đặc biệt, các em nên tìm hiểu kỹ quy chế thi để đến đúng giờ, mang theo các vật dụng cần thiết, như vậy các em sẽ có một tâm lý thật thoải mái khi bước vào kỳ thi sắp tới”, cô Liên đưa ra lời khuyên.
Tránh đoán đề, học “tủ” môn Văn
Còn theo Ths Hoàng Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn tại Trung tâm Edufly, do phải học trực tuyến dài ngày, nên năng lực cảm thụ văn học của nhiều học sinh bị hạn chế, dẫn đến mất hứng thú học tập, học sinh không kịp hiểu bài, thậm chí ỷ lại, không ghi chép bài khi trở lại học trực tiếp. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng học tập, đặc biệt là học sinh lớp 9 sắp chuyển cấp.
“Qua việc chấm các bài thi thử đánh giá năng lực học sinh được tổ chức tại Trung tâm Edufly, có thể thấy rằng, đa phần các bài làm khá tốt vì các em đã được thầy cô trang bị kiến thức khá kĩ càng, bên cạnh đó cũng có nhiều em học sinh bị hổng kiến thức cơ bản nghiêm trọng. Các em không nắm được những kiến thức cơ bản về tiếng Việt, thông tin tác giả, tác phẩm, thậm chí nhiều em còn “bí văn”, viết được vài dòng nghị luận là hết ý tưởng. Nắm bắt được những lỗ hổng này, thầy/cô Trung tâm Edufly đã nhận xét rất chi tiết gửi tới học sinh và gia đình để khắc phục. Đồng thời, giáo viên cũng nắm được mức độ năng lực hiện tại của các em để đưa ra những phương pháp học tập phù hợp để giúp các em tiến bộ hơn”, cô Trang nói.
Nói về phương pháp làm bài thi môn Ngữ văn, theo cô Trang, để đạt được kết quả cao trong kì thi sắp tới, học sinh cần phải đảm bảo được thời gian làm bài.
Về mặt hình thức, thí sinh lưu ý, bài làm phải có tính thẩm mĩ, yêu cầu trình bày sạch sẽ, rõ ràng, cẩn thận, không được viết tắt, không sử dụng hai màu mực, đảm bảo đúng nguyên tắc khi viết đoạn văn, bài văn, có sự logic trong diễn đạt mạch văn, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Về mặt nội dung, để chinh phục thành công bài thi, các em cần nắm vững cấu trúc đề thi, có kế hoạch cụ thể cho việc ôn tập các phần. Thông thường, đề thi Ngữ văn vào 10 gồm 3 phần: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
Phần đọc hiểu có 3 loại câu hỏi gồm câu hỏi nhận biết yêu cầu học sinh xác định phương thức biểu đạt, thể loại, xác định chi tiết, hình ảnh,… Câu hỏi thông hiểu yêu cầu học sinh nêu nội dung văn bản, ý nghĩa của các hình ảnh, chi tiết… Câu hỏi vận dụng yêu cầu học sinh bày tỏ quan điểm của mình về thông điệp mà tác giả gửi gắm, tìm ra hướng giải quyết hay một biểu hiện mà học sinh tâm đắc và lý giải.
Trong phần này, học sinh cần lưu ý là phải trả lời đủ ý, tránh lan man hay thiếu sót yêu cầu của đề.
Phần nghị luận xã hội cần đảm bảo về hình thức, xác định đúng kiểu bài nghị luận xã hội, đưa ra những luận điểm, luận cứ và dẫn chứng thuyết phục để làm rõ vấn đề, các em nên chăm chỉ đọc báo, cập nhật tin tức để có nguồn thông tin phong phú cho bài nghị luận được thuyết phục.
Phần nghị luận văn học cần đảm bảo cấu trúc 3 phần của một bài văn: mở bài, thân bài, kết bài. Trong phần này, học sinh cần phân tích kĩ yêu cầu đề, xác định đúng vấn đề và phạm vi nghị luận. Cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật được thể hiện qua hành động, lời nói, suy nghĩ, bày tỏ được cảm xúc bản thân dành cho nhân vật. Đồng thời, cảm nhận được vẻ đẹp nghệ thuật của hình ảnh, chi tiết, các biện pháp tu từ được sử dụng nhằm làm nổi bật nội dung, ý nghĩa, tình cảm và thông điệp tác phẩm.
Bên cạnh đó, cô Hoàng Thu Trang cũng đặc biệt lưu ý, thí sinh cần tránh tình trạng học tủ, học vẹt với môn Ngữ văn. Thực tế, một tác phẩm có thể được ra ở phần nghị luận văn học trong đề thi năm ngoái, nhưng cũng có thể trở thành ngữ liệu ở phần đọc hiểu trong đề thi năm nay. Vì vậy, học sinh cần có lộ trình học tập thực sự nghiêm túc để nắm toàn bộ kiến thức, có hành trang vững vàng để bước vào kì thi./.