Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý 3/2020, thị trường lao động đã có cải thiện so với những quý trước, song thực tế, các doanh nghiệp và người lao động vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Cụ thể, đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, số lao động bị giảm thu nhập là 68,9%, lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%.

Còn theo dự báo của Bộ LĐ-TB-XH, trong thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam sẽ dần phục hồi, nhiều ngành nghề đang có tín hiệu tốt, các lĩnh vực, ngành nghề bị đứt gãy hoạt động tạm thời, ngừng việc đã trở lại thị trường. Tuy nhiên vẫn chưa thể phục hồi như cũ.

Tại thị trường Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, chỉ riêng trong tháng 9, Trung tâm đã có hơn 500 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với khoảng 6.000 vị trí việc làm.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8, khi làn sóng dịch thứ 2 bùng phát, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giảm, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9, thị trường tiếp tục có những dấu hiệu tích cực. Số lượng doanh nghiệp đăng ký  tuyển dụng đều ở mức trên dưới 500 doanh nghiệp mỗi tháng.

Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, dù bước đầu có những tín hiệu tốt, song cũng chưa thể dự đoán chính xác về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong những tháng còn lại của 2020 do còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh.

Trong trường hợp lạc quan nhất, dịch bệnh trong nước được khống chế tốt, tiếp tục không có các ca bệnh trong cộng đồng, các hoạt động lưu thông hàng hóa tại các doanh nghiệp sôi động, nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ tăng, song cũng không đáng kể. 

“Dù Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, song tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu, liên doanh vẫn chưa thể trở lại bình thường. Những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng nhưng không nhiều, đó là trong trường hợp chống dịch tốt và tình hình thế giới có thể kiểm soát được dịch bệnh”, ông Thành nhận định.

Nói thêm về thị trường lao động những tháng cuối năm 2020, ông Vũ Quang Thành cho biết, thời điểm này, các doanh nghiệp gia tăng các hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho dịp lễ tết. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao, song chủ yếu sẽ là các công việc thời vụ, bán thời gian. Nhu cầu tuyển dụng việc làm toàn thời gian sẽ vẫn giữ ở mức ổn định. Một số ngành được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển lao động lớn trong dịp cuối năm như thương mại dịch vụ, giao nhận hàng, thương mại điện tử, công nghiệp chế biến,...

Còn theo một báo cáo mới đây của Navigos, những chính sách mới về Hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại đa phương (EVFTA) đã dẫn đến làn sóng dịch chuyển dây chuyền hoặc nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đã có những công ty, nhà máy dệt đã đăng ký kinh doanh hoặc xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành này đã xuất hiện các nhà đầu tư mở rộng quy mô hoặc mới bước vào thị trường tại Việt Nam, chủ yếu là khối doanh nghiệp sử dụng tiếng Trung (HongKong, Đài Loan, Trung Quốc), các doanh nghiệp sử dụng tiếng Nhật và một số nhà đầu tư của châu Âu như Đức. 

Một số doanh nghiệp dệt may mở rộng quy mô hoạt động như xây mới nhà máy, hoặc chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam, hoặc chuyển đơn hàng từ nước ngoài về Việt Nam sản xuất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng lớn về nhân sự, trong đó có các vị trí cấp trung và cấp cao. Dự báo nhu cầu tuyển dụng này sẽ tăng trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tới.

Khó tăng lương đột biến

Đánh giá về mức lương của lao động trong những tháng cuối năm 2020, ông Vũ Quang Thành cho rằng, sẽ khó có sự đột biến.

“Khảo sát và nắm bắt tâm tư của các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại trung tâm, hầu hết đều cho biết đang gặp những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp đều cho biết đang gặp khó khăn, mục tiêu trước mắt là giữ  việc làm cho lao động. Về mức lương chắc chắn không có biến động lớn, doanh nghiệp sẽ có chính sách lương thưởng phù hợp để giữ chân người tài cũng như các chính sách ưu đãi về quyền lợi và thu nhập”, ông Thành nói.

Nhằm tăng cường kết nối giữa lao động và doanh nghiệp, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường việc thu thập thông tin từ cả phía chủ sử dụng lao động và người lao động để có những tư vấn, kết nối kịp thời, hiệu quả.

Trung tâm cũng đang thực hiện kế hoạch của TP Hà Nội về tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày.  Các phiên giao dịch vẫn sẽ đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần tại 15 điểm sản trên toàn địa bàn thành phố. Các phiên giao dịch cũng sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến để tránh tập trung đông người, phòng dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, để phục hồi thị trường lao động những tháng cuối năm, cần có những chính sách kích cầu, cắt giảm thuế, hỗ trợ chuyển dịch lao động từ làm việc trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số để có thêm những việc làm linh hoạt hơn.

Bà Hương cũng nhấn mạnh rằng, cần chú ý không tăng chi phí cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, nhằm giảm những gánh nặng cho doanh nghiệp, có đà phục hồi sau dịch Covid-19./.