Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang là thị trường dẫn đầu về việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Tuy nhiên, sau Hàn Quốc thì đây cũng là thị trường có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao. Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao thì những lao động đang bỏ trốn, về nước trước ngày 10/1/2014 sẽ không bị xử phạt.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH về vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước |
PV: Thưa ông, có thông tin cho rằng hiện nay tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đang ở mức báo động, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Đài Loan (Trung Quốc) cũng là thị trường chúng ta đang gặp vấn đề về lao động bỏ trốn. Tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước ở Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay dưới 10%, tuy nhiên vẫn là cao, nên từ đầu năm 2005 đến nay một số lĩnh vực như giúp việc gia đình thì Đài Loan không nhận của chúng ta. Nhưng không phải tỷ lệ trốn cao đến mức có nguy cơ mất thị trường như Hàn Quốc.
Suốt từ năm 2012 đến nay, chúng ta đã thực hiện các giải pháp để chấn chỉnh thị trường. Vì vậy, thị trường Đài Loan hiện nay đang có những tín hiệu rất tích cực. Xin thông tin thêm là thị trường Đài Loan chưa có nguy cơ bị đóng cửa.
PV: Hiện nay, việc xử phạt hành chính những lao động vi phạm hợp đồng và bỏ trốn khi đang làm việc ở nước ngoài dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh:Căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, thì Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95, ngày 22/8/2013, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Căn cứ vào đó, người đi làm việc ở nước ngoài mà vi phạm bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước thì sẽ bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng. Đây là chính sách góp phần rất lớn trong việc giảm tỷ lệ lao động của chúng ta hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước, cũng như một số thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc).
PV: Để lao động bỏ trốn có cơ hội về nước mà không bị xử phạt, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao đã ban hành một Thông tư liên tịch hướng dẫn về vấn đề này, vậy ông có thể cho biết những thông tin cụ thể?.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh:Vừa rồi, liên Bộ LĐ-TB-XH, Ngoại giao đã ban hành Thông tư số 32, ngày 6/12/2013, hướng dẫn về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm hợp đồng khi làm việc ở nước ngoài.
Ở đây có quy định, đối với người lao động đang làm việc ở nước ngoài mà về nước trước ngày 10/1/2014 thì không bị xử phạt, nhằm khuyến khích những lao động vi phạm về nước. Qua đó, vừa rồi số lao động vi phạm hợp đồng, đang làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) về nước rất nhiều.
Cho nên tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là ở những thị trường lớn là Hàn Quốc và Đài Loan đã giảm đáng kể.
PV: Xin cảm ơn ông./.