Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chính thức cho biết, năm nay là năm đầu tiên thực hiện quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi (cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ).

Tuy nhiên, đây có phải là biện pháp hữu hiệu để khắc phục hành vi gian lận và tiêu cực trong thi cử? Về vấn đề này, phóng viên VOV online phỏng vấn PGS. TS Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

le-van-hoc.jpg
PGS. TS Lê Văn Học

PV:Thưa ông, năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được mang thiếtbị ghi âm, ghi hình vào phòng thi (cả kỳ thi tốt nghiệpTHPTvà ĐH, CĐ). Nhìn nhận của ông như thế nào về chủ trương này của Bộ?

PGS. TS Lê Văn Học: Việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phát hiện những hành vi gian lận, sai trái trong thi cử với mục đích khắc phục gian lận, tiêu cực trong các kỳ thi.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng, vấn đề này không nên đặt ra quá nặng nề. Bởi vì, phụ huynh bao giờ cũng mong con mình đi thi thì phải bình tĩnh, tập trung dành thời gian làm bài cho tốt. Học sinh cũng vậy, khi bước vào phòng thi chỉ muốn đạt kết quả cao nhất. Chứ không phải đi thi để nghĩ xem cách thức dùng máy ghi âm, ghi hình như thế nào nhằm phát hiện hành vi gian lận thi cử của các bạn khác ở trong phòng hay thái độ coi thi không nghiêm túc của giám thị...

Điều tôi quan tâm là chúng ta có thể kiểm tra được hết những thiết bị mà thí sinh được mang vào phòng thi có đảm bảo không phát tín hiệu âm thanh, hình ảnh ra bên ngoài khi thí sinh đang làm bài thi hay không. Nếu Hội đồng thi không xác định rõ nguồn gốc, các chức năng của thiết bị ghi âm, ghi hình mà thí sinh được đưa vào phòng thi thì có thể sẽ làm gia tăng gian lận như truyền tải đề thi ra bên ngoài.

PV:Bộ GD-ĐT cho biết, việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phát hiện những hành vi gian lận, tiêu cực trong thi cử sẽ là một biện pháp hữu hiệu đánh vào tâm lý của thí sinh và cán bộ coi thi phải cân nhắc kỹ trước khi làm một điều gì sai trái. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS. TS Lê Văn Học: Có thể nói, đây là biện pháp đánh vào tâm lý của thí sinh và cán bộ coi thi. Bởi vì khi thí sinh và giám thị nào nếu có ý định gian lận, hành vi vi phạm quy chế thì phải biết rằng, xung quanh khu vực thi luôn có những thiết bị vô hình nào đó ghi lại hành vi sai trái. Do vậy, họ sẽ phải cân nhắc kỹ cho mỗi việc làm, hành động, lời nói của mình.

PV: Theo ông, việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi sẽ có tác động như thế nào tới mỗi kỳ thi?

PGS. TS Lê Văn Học: Tôi nghĩ rằng, đây chỉ là biện pháp góp phần rất nhỏ vào việc chống gian lận, tiêu cực trong thi cử thôi chứ không thể chấm dứt hẳn được. Bởi vì, một thí sinh chỉ phát hiện hành vi gian lận trong phòng của mình ở một góc độ nhất định chứ không thể phát hiện được hết các hành vi ở chỗ khác. Ngoài ra, thí sinh vừa phải ngồi làm bài thi, vừa phải phát hiện tiêu cực nên sẽ rất khó khăn khi phát hiện, phanh phui những hành vi gian lận.

PV: Vậy theo ông, để chấm dứt tình trạng gian lận, tiêu cực trong thi cử, yếu tố nào là quan trọng nhất?

PGS. TS Lê Văn Học:Đối với kỳ thi ĐH, CĐ, mức độ tiêu cực, gian lận thi cử sẽ khác kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi vì, thí sinh thi đại học, cao đẳng sẽ chú ý đến việc làm bài thi thật tốt và phải cạnh tranh với các thí sinh khác để có thể trúng tuyển nên sẽ bảo vệ bài làm của mình, không để cho các bạn khác nhìn bài.

Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần đạt đến mức điểm nhất định là có thể thể đỗ. Thí sinh làm được bài có thể cho bạn khác nhìn bài, đọc kết quả cho bạn cũng chẳng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh nào cả.

Hiện nay, bệnh “thành tích” trong giáo dục ở nước ta vẫn còn khá phổ biến. Địa phương nào cũng muốn tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT phải cao. Không những tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao so với tỉnh bạn mà nhiều địa phương còn chạy theo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi cũng phải cao. Trong từng trường học ở cùng một huyện cũng thi đua chạy theo “thành tích”.

Bệnh “thành tích” trong giáo dục được thể hiện rất rõ khi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 cao vượt ngoạn mục so với năm 2007.

Ngoài ra, một yếu tác động đến kết quả thi tốt nghiệp THPT là đa số phụ huynh đều mong muốn con mình ít ra phải đỗ tốt nghiệp để có thể thi lên bậc học cao hơn hoặc có thể chuyển sang học nghề. Nếu không đỗ tốt nghiệp THPT thì chẳng biết con họ sẽ đi đâu, làm gì. Trước sức ép tâm lý như vậy, nhiều Hội đồng chấm thi đã có sự điều chỉnh barem, thang điểm chấm bài thi. Vì vậy, kết quả thi tốt nghiệp mới có chuyện không đúng thực chất.

Theo tôi, để chấm dứt tình trạng trạng gian lận, tiêu cực trong thi cử phải có sự kiểm điểm thật nghiêm túc ở từng địa phương, ban, ngành, trường học cũng như toàn xã hội về việc học thật-thi thật. Người dân đã thực sự trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thật sự cho con em chuẩn bị cho tương lai, cuộc sống hay chưa?.

Vẫn biết rằng, để làm được những điều trên thì phải có thời gian, không thể một sớm một chiều mà thực hiện ngay được nhưng chúng ta phải nghĩ đến và hướng tới.

PV:Xin cảm ơn ông!./.