Xin dừng tự chủ - lỗi tại con người hay cơ chế?
Trong cuộc họp với Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đưa ra loạt lý do để xin dừng tự chủ. Đó là: hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, mới tính 4/7 cấu phần làm nên giá của dịch vụ y tế; Nhiều máy móc hiện trong các đề án liên doanh liên kết tại bệnh viện đang dừng hoạt động vì có liên quan đến tính pháp lý nên thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân; Tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm cũng dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, với góc nhìn của một chuyên gia phân tích chính sách y tế, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng đặt câu hỏi: đây là phân tích khách quan hay mới chỉ là nhận định từ lãnh đạo bệnh viện?
Vì theo ông, Nghị quyết 33 nói rất rõ bệnh viện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, đầu tư mua sắm, quản lý tài sản.
Đặc biệt liên quan đến yếu tố nguồn sống của bệnh viện là việc thu chi, Nghị quyết 33 cũng nêu rõ: cho phép xác lập khung giá dịch vụ y tế theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy, trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam.
“Không thể quy cho cơ chế trói buộc mà cần xem lại việc thực hiện. Bệnh viện đã xây dựng Đề án tự chủ như thế nào? Đã phối hợp với Bộ Y tế tính khung giá dịch vụ y tế như thế nào? 7.000 bệnh nhân khám mỗi ngày mà vẫn thu không đủ chi là điều hết sức vô lý, cần xem lại cách thực hiện”, TS Trần Tuấn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thông tin, 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến Bệnh viện thất thu hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo TS Trần Tuấn, nguyên nhân này cần được bóc tách và coi đó là yếu tố khách quan. Còn nguyên nhân chủ quan vẫn là cách triển khai cơ chế tự chủ của các bệnh viện đã làm hết sức hay chưa.
TS.BS Quan Thế Dân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành (Thanh Hóa) nhấn mạnh: Bạch Mai là một "siêu" bệnh viện mà còn xin dừng tự chủ thì không có một bệnh viện nào thực hiện được.
“Nhân dân, Đảng và Nhà nước trao cho các Bệnh viện này những điều không ai có mà nếu không làm được thì sẽ đẩy ngành y đến những hệ lụy tiếp theo. Kinh tế thị trường là con đường tất yếu của các bệnh viện”, TS Quan Thế Dân nhận định.
Thất bại không hẳn là câu chuyện buồn
Việc thí điểm tự chủ toàn diện được xem như là “phép thử” để những bất cập của việc vận hành, quản lý các loại hình y tế bộc lộ. Vì thế hiện nay, nếu giải được bài toán Bạch Mai sẽ giải được bài toán của ngành y. Vậy các bệnh viện tuyến trung ương, chuyên khoa đầu ngành sẽ phải vận hành theo phương thức nào để phát triển và tối đa hóa hiệu quả?
Để trả lời được câu hỏi này, theo TS Trần Tuấn, đầu tiên là Chính phủ cần sớm cho thực hiện đánh giá độc lập khoa học về triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP trong 2 năm qua.
Và qua nghiên cứu về mô hình của các nước trên thế giới, TS Trần Tuấn đề xuất, cần có 3 loại hình bệnh viện. Đó là bệnh viện công, bệnh viện tư và bệnh viện nhân đạo không vì lợi nhuận.
Các bệnh viện lớn đang trong diện được “ngắm” thực hiện thí điểm tự chủ chính là sẽ vận hành theo hướng của loại hình thứ 3 này. Thực hiện được như vậy thì, các loại hình sẽ phát huy được lợi thế, thúc đẩy công bằng, đảm bảo yếu tố nhân đạo, cạnh tranh trong cơ thế thị trường.
Sự thất bại trong việc thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện lại càng khẳng định là cần mô hình y tế ngoài công lập phi lợi nhuận.
TS Trần Tuấn nhận định, những quy định của Luật pháp và văn bản dưới luật thời gian gần đây đã đang dần mở ra hướng đi như vậy. Và đây là một tín hiệu đáng mừng. Đơn cử, tại Nghị định 60, các đơn vị sự nghiệp công lập về y tế dự phòng, khám chữa bệnh ban đầu, bệnh viện tại các vùng khó khăn, bệnh viện điều trị các bệnh xã hội như: bệnh phong, lao, tâm thần… được xếp vào nhóm sự nghiệp công lập, sử dụng hoàn toàn ngân sách Nhà nước.
“Chỉ cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì các loại hình bệnh viện sẽ vận hành trơn tru”, TS Trần Tuấn nêu.
Hiện nay là giai đoạn quan trọng cho những quyết sách lớn của ngành y. Khi mà tự chủ không thành chắc chắn sẽ phải thay thế một mô hình khác, chặt chẽ hơn, phân minh hơn về mặt công năng và chức trách. /.