Trong thời buổi đất quý hơn vàng, chuyện một thầy giáo nghèo, hai lần hiến 12.000m2 đất để xây trường học đã làm xúc động nhiều người. Theo gương thầy, một phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới đã lan rộng khắp địa bàn một xã nghèo. Chuyện có thật này diễn ra ở xã Tân An, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Người thầy đó có tên là Lê Công Diễn...

Một thời bom đạn chưa qua

Vượt hơn 100km từ thành phố Vinh, chúng tôi tìm tới gia đình thầy giáo Lê Công Diễn vào một buổi chiều. Căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình thầy nằm ngay sát cổng trường THCS xã Tân An. Thầy đang mệt, phải nằm trên giường. Căn bệnh thần kinh tọa đang tác oai tác quái khiến thầy không đi lại được. Nằm trên giường tiếp chuyện chúng tôi, ký ức về những năm tháng xông pha mưa bom bão đạn lại dội về...

Thầy sinh năm 1939 tại xã Đại Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1957, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Diễn được phân công về dạy học tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (nay là thành phố Phủ Lý). Thầy hồi tưởng: “Đó là một vùng mà đa số bà con theo đạo, điều kiện và ý thức về sự học ở địa phương lúc đó chưa cao. Mình cùng đồng nghiệp phải đi vận động học sinh tới trường. Có ngày mình phải đi gần trăm cây số, phải đến từng hộ gia đình giải thích, động viên, thuyết phục người dân cho con em đi học. Nhiều gia đình dứt khoát không nghe, vậy là thầy cô giáo phải kiên trì đến từng nhà để giảng bài cho các em…”.

Rồi năm 1965, nghe theo tiếng gọi “Vì miền Nam ruột thịt”, thầy Diễn xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, biên chế vào đại đội C357, tỉnh Hà Nam. Đơn vị của thầy được giao nhiệm vụ tham gia bảo đảm giao thông tuyến đường 15A từ Linh Cảm - Ngã Ba Đồng Lộc - Khe Ve; mở đường 21, 22 thuộc địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ngày bám đường, đêm đến, thầy nhận thêm nhiệm vụ dạy học tại Trường bổ túc văn hoá thanh niên xung phong.

thay-giao-hien-dat-4.jpg

Thầy Lê Công Diễn (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng anh chị em tại ngôi trường thầy hiến đất

Nhớ về những năm tháng hào hùng mà gian khổ ấy, ánh mắt thầy Diễn không giấu nỗi tiếc nuối và niềm tự hào. “Ngày ấy không chỉ có sức trẻ, mà vượt lên tất cả, đó là ý chí hy sinh cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Bởi thế mà mọi chuyện trở nên dễ dàng, băng đèo lội suối hàng trăm cây số như không. Bây giờ thì hết thời rồi, sức khoẻ, tuổi tác kìm chân mình lại…”.

Nói tới đó, thầy Diễn cười thật hiền lành ấm áp với chúng tôi. Ngắm nụ cười của thầy, chứng kiến niềm tự hào lấp lánh trong ánh mắt thầy, chúng tôi nhận ra, quá khứ và hiện tại đối với thầy vẫn là một gạch nối đầy ấn tượng, không thể phai mờ. Chợt hiểu rằng, vì sao trong cảnh ốm đau bệnh tật, gia cảnh đơn sơ, thanh đạm, thầy và gia đình vẫn nhẹ nhàng hiến tặng 12.000m2 đất cho quê hương xây dựng trường học...

Hai lần hiến 12.000m2 đất xây trường học

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tháng 9/1969, thầy Diễn lại được cử về học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, đất nước thống nhất, với lòng yêu quê hương, dù mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh, thầy Diễn vẫn xung phong tiếp tục dạy học ở huyện miền núi Tân Kỳ - quê hương của thầy. Rồi thầy lập gia đình cùng người vợ hiền dịu, đảm đang là bà Chu Thị Hoa, có được 2 người con. Sau bao năm dành dụm, góp nhặt cả đời, trước khi nghỉ hưu (những năm 1990), hai vợ chồng thầy cũng mua được mấy lô đất ở xóm Đô Lương, xã Tân An, huyện Tân Kỳ với hy vọng có mảnh vườn để trồng cây an dưỡng tuổi già, đồng thời cũng để mai này cho con cái có nơi lập nghiệp.

Thầy nhớ lại: “Những năm 1994 - 1995, đất bắt đầu có giá, nhiều anh em họ hàng khuyên nên bán bớt đất để xây nhà, mua xe và cho con cái. Tôi nghe nhưng tôi không theo. Bởi vì cũng lúc ấy xã lại có ý định xây trường THCS thành trường chuẩn quốc gia nhưng khuôn viên của trường lại quá chật, không xây được. Mà di dời đi nơi khác để xây dựng thì tốn kém tiền của cho Nhà nước và bà con nhân dân xã mình đóng góp. Biết được sự khó khăn đó của chính quyền xã nhà, sau khi bàn bạc thống nhất với vợ con, năm 1995 tôi chủ động gặp chính quyền xin hiến 5.000m2 đất vườn nhà mình ngay sát trường để xã xây trường…”.

Tìm hiểu thêm những người dân địa phương, chúng tôi được biết, khi gia đình thầy hiến 5.000m2, cũng là lúc hàng trăm gốc cây ăn quả nào là cam, ổi đang 5 năm tuổi đã đến độ thu hoạch. Vậy nhưng gia đình thầy không đòi hỏi bất cứ điều gì. Hỏi thầy về chuyện này, thầy Diễn nói giản dị: “Thấy cảnh các cháu ngày càng đông mà trường lớp thì lại chật chội nên mình chỉ muốn làm sao để các cháu có trường lớp khang trang để học. Thế là mình vui rồi. Mình cũng chẳng có ý nghĩ gì sâu xa…”.

Năm 2007, dù đã có thêm 5.000m2 đất của gia đình thầy Diễn nhưng khuôn viên của nhà trường vẫn chật, vẫn chưa đủ để các cháu có sân chơi và tập thể dục. Niềm vui vẫn chưa trọn vẹn, thầy Diễn lại bàn với vợ và các con tiếp tục hiến thêm 7.000m2 đất cho chính quyền xã mở rộng khuôn viên trường học.

Vợ thầy, bà Chu Thị Hoa, sau nhiều câu gặng hỏi của chúng tôi đã nói rất thật rằng: “Từ khi nên vợ nên chồng, mọi việc của ông ấy tôi đều ủng hộ. Ông ấy vui là tôi vui. Biết là đất đai càng ngày càng có giá nhưng quan trọng hơn là mình đã cống hiến được một việc nhỏ góp phần vào việc xây dựng nền giáo dục tại quê hương là đã vui lắm rồi...”.

Thấy vợ tham gia, thầy Diễn như sôi nổi hơn: “Lúc hiến 7.000m2 với hàng trăm gốc cây ăn quả trên mảnh đất hàng năm có thể thu hoạch được hàng chục triệu đồng, nhiều người lúc đó bảo vợ chồng nhà mình “hâm”. Nhưng mình nghĩ, đất của mình hiến là để xây dựng nền giáo dục cho quê hương thì còn quan trọng hơn nghìn lần cây trái hoa quả...”.

Trường THCS Tân An nơi thầy Diễn hiến đất

Giờ đây tuy không đứng trên bục giảng để giảng dạy học trò được nữa nhưng những trăn trở về nghiệp giáo dục vẫn không khi nào hết trong con người thầy. Đối nghịch với vẻ đơn sơ trong căn phòng của thầy, là hàng trăm cuốn sách được thầy bao năm sưu tầm cất giữ. Lại một bất ngờ đến với chúng tôi khi chỉ vào hàng trăm cuốn sách đó, thầy Diễn nói: “Mình không còn lên lớp để truyền giảng cho các em được nữa thì mình gom sách cho các em nghiên cứu và học tập…”. Chính ý tưởng xuất phát từ tấm lòng đau đáu với sự nghiệp trồng người đó của thầy Diễn mà hàng ngày các em học sinh trường THCS Tân An xem nhà thầy như một thư viện nhỏ để đến mượn sách học tập. Những lúc như thế, chính thầy Diễn lại là người hướng dẫn, đón tiếp các em đến đọc sách.

Một điều bất ngờ không thể không nói ra đây. Kể từ ngày thầy Diễn đi đầu trong phong trào hiến đất xây trường, đã có nhiều bà con ở xã Tân An noi gương thầy. Xin ghi lại lời ông Trần Đại Thắng, cán bộ địa chính xã Tân An, huyện Tân Kỳ, khi nói về thầy Diễn: “Thầy Lê Công Diễn là một tấm gương đi đầu trong phong trào hiến đất ở địa phương. Tính từ năm 2005 tới nay, noi theo tấm gương thầy Lê Công Diễn, đã có trên 20 hộ dân trong xã tham gia hiến đất, với tổng diện tích lên đến 7ha. Có đất của bà con hiến, chính quyền địa phương đã xây dựng nhiều công trình trường học, đường giao thông… Đa phần bà con không đòi hỏi quyền lợi gì. Đây là một tiền đề tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, theo tiêu chí mới tại một xã nghèo như Tân An...”./.