Trước 1975, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Sau 1975, trong một khoảng thời gian phải khắc phục hậu quả của chiến tranh và tàn dư của chế độ cũ cùng với những ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng trên thế giới, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều khó khăn. Thế nhưng, từ trong khó khăn ấy, nhất là sau khi đất nước thực hiện đổi mới, bằng những đột phá, sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những đô thị phát triển nhanh.

tp_hcm_123_tcch.jpg

Cho đến tận bây giờ, hình ảnh của Sài Gòn cách đây 40 năm vẫn rõ nét trong ông Nguyễn Hữu Thái. 6h sáng ngày 30/4/1975, những đợt máy bay cuối cùng của Đại sứ quán Mỹ bay ra biển Đông, Sài Gòn vắng lặng. Do bị tuyên truyền là sẽ có một cuộc tắm máu khi quân Giải phóng tiến vào nên người dân Sài Gòn rất lo sợ không dám ra đường. 10h, đoàn xe tăng của bộ đội ta tiến vào nội thành Sài Gòn. Khi cánh cửa dinh Độc Lập bị xe tăng 390 húc đổ, đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm cờ chạy lên, ông Thái cùng với giáo sư Huỳnh Văn Tòng tình nguyện dẫn đường lên nóc dinh Độc Lập để cắm lá cờ chiến thắng.

Ông Nguyễn Hữu Thái kể lại: “Tôi với giáo sư Huỳnh Văn Tòng và anh Thận lên thang máy ra cột cờ. Hồi đó cờ ba sọc của chế độ cũ lớn lắm và chắc nữa. Nhưng anh Thận lại không mang theo dao găm để cắt nên anh đành cắn và kéo cờ 3 sọc xuống rồi treo cây cờ của mình lên. Cờ rất nhỏ vì là cờ xe tăng mà. Chúng tôi thấy dưới mặt sân dinh Độc Lập, xe tăng dàn hàng ngang hết rồi đợi mình kéo cờ lên là bắn chỉ thiên chào mừng. Chúng tôi loay hoay mãi 5 phút sau lấy được cờ cũ xuống và mới treo được cờ của mình lên, dưới này đồng loạt bắn chỉ thiên chào mừng. Sau đó chúng tôi đi xuống thì gặp bộ đội ta áp giải ông Dương Văn Minh đi ra”.

Tiếp đó, ông Thái đi cùng Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Chính ủy Bùi Văn Tùng và một nhà báo Đức… lên xe tiến về phía đài phát thanh. Tại đây, Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng.

Sau khi miền Nam được giải phóng, kinh qua nhiều công tác, là cán bộ thành đoàn, rồi cán bộ Viện quy hoạch thành phố, giảng viên kiến trúc, ông Thái cảm nhận hết những khó khăn mà nhân dân thành phố phải trải qua. Sau chiến tranh, bị bao vây tứ phía, viện trợ cũng không còn, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải tự lực cánh sinh để vượt qua tất cả.

Đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới, bắt đầu từ năm 1986, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương đi đầu về đột phá, sáng tạo trong các lĩnh vực, nhất là kinh tế đưa thành phố phát triển.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “TPHCM có những đóng góp rất quan trọng. Đóng góp đầu tiên là những xé rào hay là thí điểm trước đổi mới. Những mô hình đóng góp rất nhiều, đó là đóng góp việc hình thành thừa nhận có một nền sản xuất hàng hóa tồn tại ngay trong lòng thành phố Hồ Chí Minh. Sau đổi mới, TPHCM đi đầu trong rất nhiều mô hình. Ví dụ từ việc đi đầu trong xây dựng khu chế xuất trong kinh tế mở, cả vấn đề trong xây dựng luật công ty, luật doanh nghiệp tư nhân, trong khi chúng ta chưa có luật”.

Có những giai đoạn kinh tế phát triển tăng tốc vượt bậc, nhưng cũng có những thời điểm bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, tuy nhiên, bằng sự lãnh đạo, điều hành hết sức linh hoạt của Đảng bộ và chính quyền mà thành phố đã vượt qua thời điểm khó khăn. Giai đoạn 2011-2014, bình quân tổng sản phẩm nội địa của thành phố tăng 9,6%, tăng gấp 1,7 lần so với cả nước; GDP bình quân đầu người đạt 5.131 USD vào cuối năm 2014. Đến nay, số hộ nghèo của thành phố có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm chỉ còn 1,35%, số hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm là 2,7%.

Thành phố đã tập trung nguồn lực để phát triển quy hoạch đô thị, đặc biệt là lĩnh vực giao thông. Trong giai đoạn 2001-2014, nhiều công trình đã trở thành niềm tự hào của thành phố, đó là: hầm vượt sông Sài Gòn, đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây… Sắp tới đây sẽ khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên và tuyến Bến Thành-Tham Lương dự kiến đưa vào khai thác năm 2020 và 2022. Thành phố đã có nhiều cải thiện môi trường đô thị trong việc cải tạo hệ thống kênh rạch. Đặc biệt, những dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè; Bến Nghé-Tàu Hủ -kênh Đôi –kênh Tẻ; Tân Hóa-Lò Gốm, đã xóa bao dãy nhà lụp xụp dọc những dòng kênh đen hôi thối. Thay vào đó là những con đường, những dãy nhà khang trang chạy dọc ven dòng kênh xanh, góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân xung quang khu vực này. Sắp tới thành phố sẽ đào lại một số dòng kênh đã bị lấp để cải tạo môi trường, cảnh quan đô thị và giải quyết tình trạng ngập nước …

Điều đáng nói là, dưới góc nhìn của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và cùng nhận xét của nhiều du khách nước ngoài thì mặc dù phát triển nhanh về đô thị nhưng chính quyền và người dân thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm bảo tồn những kiến trúc đô thị cổ. Các công trình cổ đã trăm tuổi, như: Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Tòa nhà Ủy ban nhân dân… được giữ gìn gần như nguyên vẹn.  

Được đánh giá là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thế nhưng Thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: quy hoạch và quản lý đô thị chưa xứng tầm; hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh cho 10 triệu dân thành phố….

Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về trước mắt và lâu dài, Thành phố cần phải giải quyết : “Có mấy vấn đề cần phải ưu tiên vừa trước mắt, vừa lâu dài. Đó là phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hạ tầng ở đây bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Vấn đề thứ hai là  biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng. Vì thành phố so với mặt nước biển rất là thấp, giáp biển nữa. Thành phố đã ý thức thấy được những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố và đã chủ động chuẩn bị”.

Với ý thức trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước”, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường của đất thép thành đồng; chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đang tận dụng những thời cơ và thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đi trước, về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước./.