Đó là lời cảnh báo của Ths. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khi trao đổi với phóng viên VOV.

PV: Thưa bà, hiện nay trên một số trang mạng, trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện đến số điện thoại của khách hàng mạo danh là các nhà thuốc Đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng nhưng giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định. Là cơ quan quản lý nhà nước, bà có ý kiến gì về điều này?

vov_ba_ngan_ztcc.jpg
Ths. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Ths. Trần Việt Nga: Chúng tôi nhận định đây là hành vi lừa đảo người tiêu dùng. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan… thậm chí có sản phẩm quảng cáo phải dùng vài tháng mới có tác dụng, chính điều này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của người dân. Đây là hành động đáng bị lên án và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Y tế sẽ sớm đề xuất biện pháp xử lý tình trạng này. Trước mắt, Bộ sẽ tiếp tục chủ động tăng cường công tác thanh, kiểm tra đồng thời đăng công khai thông tin trên website của Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với thủ đoạn trên.

PV: Thời gian qua, Cục ATTP đã phát hiện và xử lý bao nhiêu vụ bán thực phẩm chức năng giả như vậy?

Ths. Trần Việt Nga: Trong năm 2018, Cục ATTP đã triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm theo kế hoạch và 21 đoàn kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý; thực hiện công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị về ATTP, xử lý các công ty có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đạt yêu cầu chất lượng, có chứa sibutramin, sildenafil... Cục ATTP đã xử phạt vi phạm hành chính 113 cơ sở với 170 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 6.086.368.013 đồng. So với năm 2017, số cơ sở bị xử phạt năm 2018 tăng hơn 2 lần, số tiền xử phạt tăng hơn 3 lần. Cùng với phạt tiền, Cục ATTP đã tạm dừng lưu thông 76 lô sản phẩm vi phạm; thu hồi 56 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 8 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 9 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cục ATTP đã chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử 23 trường hợp; chuyển cơ quan điều tra 10 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.

PV: Cá nhân những người bán thực phẩm chức năng này có chuyên môn về y tế không, thưa bà?

Ths. Trần Việt Nga: Cục ATTP ( Bộ Y tế) đã kiểm tra và xử lý nhiều vụ việc qua đó phát hiện có những trung tâm có tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám, chữa bệnh.

PV: Bà có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng?

Ths. Trần Việt Nga: Người tiêu dùng là người cuối cùng trong quy trình mua bán thực phẩm, nhưng họ lại là người gánh chịu hậu quả. Vì vậy họ cần có kiến thức, trách nhiệm với việc tiêu dùng thực phẩm nói chung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng. Khi lựa chọn mua trực tiếp cũng như online, người tiêu dùng phải chú ý các điểm sau: Chọn mua các sản phẩm đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận, tức là sản phẩm đã có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; Chọn mua ở các cửa hàng, các trang web có thương hiệu uy tín và địa chỉ rõ ràng; Khi nhận hàng phải quan sát kỹ thông tin trên bao bì để tránh mua phải hàng kém chất lượng; Phản ảnh thông tin về sản phẩm kém chất lượng, các cơ sản sản xuất kinh doanh và các trang bán hàng không đảm bảo ATTP tới cơ quan chức năng.

PV: Để quản lý tốt tình trạng này, trong thời gian tới, Cục ATTP cần sự phối hợp như thế nào giữa các đơn vị chức năng?

Ths. Trần Việt Nga:Trước thực trạng trên, Cục ATTP đã và đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công Thương để cùng phối hợp giải quyết tình trang quảng cáo vi phạm.

Đối với các vi phạm xác định được chính chủ, Cục sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định hiện hành và công khai thông tin trên website của Cục ATTP (www.vfa.gov.vn) và các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các vi phạm không xác định được chính chủ, chẳng hạn với các quảng cáo đăng trên các báo, Cục gửi công văn cho các báo yêu cầu phối hợp thực hiện đúng quy định.

Còn với các thông tin lừa dối quảng cáo trên các phương tiện như website/internet, mạng xã hội thì Cục sẽ công khai trên website của Cục ATTP và các phương tiện thông tin đại chúng, các website để người tiêu dùng biết tránh mua sản phẩm đó trên các trang website đã nêu. Đồng thời công khai thông tin về các vi phạm quảng cáo thực phẩm trên VTV, VOV; Gửi các đường link có vi phạm quảng cáo sang Thanh tra Bộ TTTT, Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TTTT và Thanh tra Bộ VH-TT&DL để xử lý theo quy định; Gửi văn bản sang Cục Thương mại điện tử và kinh tế số để kiểm tra các sàn giao dịch thương mại điện tử./.