Chiều nay (20/5), Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Vai trò của công dân trong phòng chống tham nhũng”.

Còn nhiều trở ngại khi chống tham nhũng

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, ở Việt Nam, cơ sở pháp lý để thực hiện phòng chống tham nhũng khá đầy đủ, tiêu biểu trong số đó là từ năm 2005 đã có Luật Phòng, chống tham nhũng; năm 2007 có Nghị định 47/2007 của Chính phủ  quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng...

chongthamnhungvn.jpg
Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội

Các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng đều khẳng định và đề cao vai trò của công dân trong việc phối hợp cùng cơ quan chức năng trong việc phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, công dân có quyền và có thể tham gia vào phòng, chống tham nhũng bằng nhiều kênh khác nhau: có thể là trực tiếp tố cáo, thông qua tổ chức mà mình đang là thành viên, thông qua ban thanh tra nhân dân, hay qua cơ quan báo chí...

Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của công dân còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân do công dân không muốn tham gia, hoặc công dân không thể tham gia hoặc không dám tham gia chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, công dân còn chịu nhiều sức ép từ môi trường xung quanh, từ gia đình, cộng đồng, tâm lý bản thân... nên công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của công dân hiện còn rất hạn chế.

Là người phát hiện và thu thập tài liệu vụ nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) để tố cáo sai phạm, chị Hoàng Thị Nguyệt chia sẻ: Qua trải nghiệm bản thân nhận ra rằng, tố cáo tham nhũng, sai phạm đã khó khăn, khi tố cáo sai phạm đó ngay trong chính cơ quan mình công tác còn khó khăn hơn nhiều, đó thực sự là một cuộc chiến cam go. Bản thân nhóm chị Nguyệt khi tham gia tố cáo sai phạm, lúc đầu có 5 người, nhưng do nhiều áp lực, sau đó chỉ còn 3 người dám theo đuổi.

Theo chị Nguyệt, khó khăn chị gặp phải ngay cả trong quá trình đưa đơn kiện đầu tiên đã nhận được thái độ thờ ơ của chính người tiếp nhận thông tin. Rồi khi gửi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng, ở các cấp khác nhau, bản thân chị Nguyệt cũng gặp không ít khó khăn, cản trở từ nhiều phía. Từ đó, “tôi nhận ra rằng, đối tượng tham nhũng giống như một con bạch tuộc quái ác với những cánh tay có thể len lỏi, vươn dài đến nhiều nơi để cản trở người tố cáo”.

Phải bảo vệ người tố cáo đến cùng

Còn chị Lê Thanh Hà, phóng viên Báo Tuổi trẻ, người đã có nhiều bài viết phanh phui nhiều tiêu cực, tham nhũng cũng đồng quan điểm và chia sẻ rằng: 
“Tôi đã không ít lần phải khóc cùng công dân, những người tham gia vào việc tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Nhưng vì trách nhiệm xã hội, càng gặp khó khăn của bản thân, chia sẻ khó khăn của người dân, tôi càng quyết tâm và cùng người dân chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng”.

Qua thực tế hơn 20 năm làm báo, đặc biệt là theo đuổi điều tra, chống tiêu cực, chị Hà nhận thấy một vinh dự, tự hào với câu hỏi rằng, “tại sao nước ta có nhiều cơ quan chức năng có chức năng phòng, chống tham nhũng, vậy mà người dân lại cứ tìm đến phóng viên, nhà báo để tố cáo sai phạm?” Chính điều này cho thấy, nhà báo, cơ quan báo chí càng phải nỗ lực song hành cùng nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Theo kinh nghiệm bản thân, chị Hà cho biết: Người dân khi tố cáo thường có nhiều cái lo lắng, trong đó họ thường sợ bị lộ thông tin về bản thân khi cung cấp thông tin về sai phạm, điều đó có thể sẽ bị trả thù... Vì vậy, “tôi đã luôn động viên và hứa bảo vệ đến cùng nguồn tin. Nếu xảy ra chuyện gì, tôi sẵn sàng hứng chịu, tìm mọi cách để bảo vệ nguồn tin của mình”.

Không những thế, theo chị Hà, “những đối tượng tham nhũng thường có rất nhiều thủ đoạn và có sự liên kết thành một ê kíp. Do đó, bảo vệ người tố cáo là việc làm đặc biệt quan trọng. Dù cơ quan chức năng, dù nhà báo có giỏi như thế nào, nếu không có những công dân dũng cảm, sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin đấu tranh chống tham nhũng thì không thể chống tham nhũng thành công”.

Nêu nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả phòng, chống tham nhũng, trong số đó, có giải pháp quan trọng liên quan đến công dân, ông Ngô Mạnh Hùng, cho rằng, cần phải xây dựng văn hóa chống tham nhũng, hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra trên tinh thần phải dựa vào nhân dân. Đồng thời, coi trọng báo chí là kênh đồng hành cùng công dân để đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Còn chị Nguyệt và chị Hà đều chung mong muốn, để chống tham nhũng mạnh mẽ, hiệu quả hơn, người tố cáo tham nhũng phải được bảo vệ, còn cơ quan phòng chống tham nhũng phải làm thế nào để người dân tin tưởng hơn và dễ dàng tiếp cận hơn để cung cấp thông tin tố cáo sai phạm.

Ông Conrad F. Zellmann, Phó Giám đốc Tổ chức hướng tới minh bạch, người có nhiều nghiên cứu và tham gia thực tế vào chống tham nhũng tại nhiều quốc gia cho rằng, có luật pháp hỗ trợ chống tham nhũng chưa đủ, cần phải có hành động thực tế thiết thực để tạo niềm tin cho người tố cáo. Người tố cáo cần được hỗ trợ cả về tinh thần và tài chính. Bản thân người tố cáo cũng phải cung cấp những thông tin chính xác./.