“Không phải nhận thưởng bằng áo phao”
Dịp cận Tết, truyền thông liên tục đưa tin nhiều cơ quan, doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng “hiện vật”. Những hiện vật đó vô cùng đa dạng bởi đó là sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất ra như hương thắp, tất chân, quần đùi, gạch… hay có những nơi vì số tiền thưởng “hẻo” quá nên công đoàn nghĩ ra cách quy ra các nhu yếu phẩm như dầu ăn, nước mắm, bột nêm…
Thưởng Tết dù ít nhiều đều có ý nghĩa như món quà cả về tinh thần lẫn vật chất đối với người lao động |
Thêm một năm nữa kinh tế đất nước khó khăn, lương thưởng Tết hạn chế là điều mà người lao động đã lường trước. Nhưng có lẽ nhận thưởng bằng “hiện vật” là điều mà người lao động không nghĩ và cũng không muốn nghĩ tới.
Chị Trần Thị Lệ (ở Chi Phương, Tiên Du, Bắc Ninh) đã có 5 năm làm việc trong một công ty may ở KCN Tiên Sơn, nhớ lại, từ ngày vào làm công ty này, rất may chưa có năm nào chị phải nhận thưởng Tết bằng “áo phao cứu sinh” (công ty chị may gia công áo pháo cứu sinh theo đơn hàng nước ngoài – PV), mà thường xuyên được nhận thưởng Tết bằng tháng lương thứ 13. Tết năm nay cộng cả lương và thưởng Tết, chị Lệ có khoảng 7-8 triệu đồng về ăn Tết với gia đình. Chị tâm sự không muốn chuyển sang một công ty khác vì lại phải tìm cách thích nghi với môi trường làm việc mới, mức lương mới trong khi thu nhập của công nhân may thì ở đâu cũng thế.
Lệ chia sẻ: “Hết ngày 28 công ty mới cho nghỉ Tết. Nên trong những ngày cận Tết, sau giờ làm, em tranh thủ đi sắm cho các con và bố mẹ ở nhà một ít quần áo mới. Lương thưởng Tết năm nay của em không lệch so với những năm trước. Lãnh đạo công ty này cũng rất tâm lý với người lao động, hầu như năm nào cũng chuyển tiền lương, thưởng sớm nhất có thể cho người lao động để họ kịp mua sắm chuẩn bị về ăn Tết với gia đình. Tết năm nay cũng thế”.
Chị Nguyễn Thị Mai (Hà Tây) cùng là công nhân trong KCN Tiên Sơn cho biết, sở dĩ chị vẫn muốn gắn bó với công ty chị đang làm vì thời gian làm việc tương đối ổn định, bắt đầu từ 7h25 phút sáng và kết thúc vào 17h45, thứ Bẩy, Chủ nhật được nghỉ. Bên cạnh đó, chị thấy chế độ lương thưởng, đãi ngộ của công ty không quá chênh lệch so với nhiều công ty khác trong cùng KCN. Chị Mai cho biết, chị đang nóng lòng chờ tiền lương thưởng của công ty để đi mua sắm ít đồ Tết cho cả gia đình.
Chị Mai chia sẻ: “Năm nào cũng thế, công ty luôn duy trì mức thưởng Tết cho công nhân bằng 1 tháng lương. Năm nay, cộng thêm thưởng Tết tôi có khoảng 6-7 triệu, tuy không nhiều nhưng vẫn còn hơn nhiều nơi phải nhận thưởng Tết bằng sản phẩm”.
Chị Mai cho biết, dù ít tiền nhưng không Tết năm nào gia đình chị phải đón Tết ở nhà trọ. Năm nào gia đình chị cũng đưa các con về đón Tết với ông bà nội, ngoại ở Hà Tây.
Đến hẹn lại lo thiếu công nhân sau Tết
Bên cạnh thực trạng nhiều doanh nghiệp dùng chiêu sa thải lao động để hạn chế bớt các khoản chi lương thưởng Tết cho công nhân, thì cũng có nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động như ngành dệt may phải lên kế hoạch tuyển dụng từ sớm để có đủ lượng lao động thay thế số lao động không trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Chị Đỗ Minh Hằng, quản lý nhân sự một công ty may trong KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh cho biết, hầu như năm nào công ty của chị cũng phải tìm nhân công để bù vào số công nhân không quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Năm nào ít thì khoảng 2%, năm nào nhiều khoảng 7%.
Theo chị Hằng, lý do chính khiến người lao động không quay trở lại làm việc sau Tết là không hài lòng với công việc cũng như chế độ lương thưởng của công ty. Cũng có một số ít nghỉ việc do bất bình với người quản lý. Số lao động không quay trở lại làm việc sau Tết phần lớn thuộc nhóm đối tượng mới vào làm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Chủ tịch Công đoàn của Công ty CPSX Sông Hồng chia sẻ, bản thân chị cũng là người lao động đi làm thuê do đó chị hiểu được những suy nghĩ, mong mỏi của những công nhân khác. Để giữ người lao động gắn bó lâu dài với công ty, cùng với việc quan tâm tới đời sống tinh thần của người lao động, cần tạo cho họ có một môi trường làm việc an toàn, thân thiện.
Ở công ty của chị, tuy ít có biến động khiến công nhân phải nghỉ làm thời gian dài, tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt công nhân phải nghỉ làm họ vẫn được đảm bảo mức lương tối thiểu 2,3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các dịp lễ, tết, ngoài tiền thưởng của Công ty, quỹ Công đoàn cũng có những túi quà nhỏ để động viên người lao động.
Tết này, để tạo điều kiện cho người lao động ở xa về quê đón Tết an toàn, chị Hiếu cho biết, công đoàn đã đề xuất với ban lãnh đạo công ty thuê giúp những công nhân ở xa có nhu cầu một chuyến xe để họ yên tâm làm việc tới ngày cuối cùng vẫn có phương tiện để về nhà. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng trích quỹ để tặng quà cho những lao động nghèo.
Vấn đề lương thưởng Tết cũng như chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp chính là giải pháp hữu hiệu giúp giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Làm việc cả năm, khoản tiền thưởng dù ít nhiều đều có ý nghĩa như một món quà cả về tinh thần lẫn vật chất đối với người lao động./.