Liên quan tới vụ tàu hàng húc văng ô tô bán tải tại Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm 1 người chết, 1 người bị thương nặng, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, vị trí đường ngang chỉ có biển báo, chưa có hệ thống rào chắn, gác chắn.
Hiện trường vụ tàu hàng đâm xe bán tải làm 1 người chết, 1 người bị thương ở Quảng Ngãi. |
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR, vị trí đường ngang xảy ra tai nạn chỉ có biển báo giao cắt với đường sắt, và biển “STOP” cảnh báo với lái xe dừng lại quan sát.
Vị trí đường ngang này không có người gác và gác chắn tự động. Do đó, theo ông Hoạch, lái xe khi tới giao cắt đường sắt phải dừng lại quan sát tàu trước khi băng sang đường.
Lãnh đạo VNR cho biết, vị trí đường ngang nơi xảy ra tai nạn có mặt đường bộ rộng 6m, kết cấu đường bộ ổn định, tầm nhìn của lái xe đường bộ và đường sắt đều tốt, không bị che khuất.
“Vụ tai nạn khiến 1 người chết, 1 người bị thương nặng, xe ô tô bán tải hư hỏng nặng, đầu máy tàu hư hỏng nhẹ. Tai nạn không ảnh hưởng lớn tới giao thông đường sắt”, ông Hoạch nói.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vị trí tàu hàng húc văng ô tô bán tải tại Bình Sơn (Quảng Ngãi) là nơi đường sắt giao cắt với đường bộ chỉ có biển báo, chưa có hệ thống rào chắn, gác chắn. |
Ông Hoạch cho biết, trên toàn tuyến đường sắt còn trên 484 đường ngang chưa có gác, chỉ có biển cảnh báo như vị trí đường ngang vừa xảy ra tai nạn. Dự kiến, năm 2018, VNR sẽ nâng cấp 100 đường ngang từ biển báo lên có gác chắn, với ngân sách nhà nước cấp.
Đây là vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng thứ 3 xảy ra trong phạm vi quản lý của Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình trên tuyến đường sắt Bắc Nam.
Vụ tai nạn đường sắt mới nhất, vào 7h sáng 13/6, tàu hàng số hiệu 2479 chạy hướng Bắc - Nam, khi đoàn tàu sắp vào ga Trà Kiệu (Quảng Nam) bất ngờ đứt mối nối giữa đầu máy và các toa tàu phía sau.
Trước đó, ngày 26/5, tại ga Núi Thành (Quảng Nam) cũng xảy ra vụ 2 tàu hàng đâm nhau trực diện trong ga, khiến 2 đầu máy hư hỏng, một số toa lật khỏi đường ray, hạ tầng đường sắt hư hỏng nghiêm trọng.
Như vậy, chỉ tính từ ngày 24/5 tới nay, đường sắt Việt Nam đã xảy ra tới 9 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng.
Thiệt hại nặng nhất là vụ tai nạn giữa tàu SE19 đâm vào xe tải chở đá lúc 00h30 ngày 24/5, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam (đoạn thuộc địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Vụ tai nạn khiến 6 toa tàu bị lật, trong đó (4 toa khách, 1 toa chở hàng và 1 toa phòng ăn đầu máy). 2 lái tàu bị tử vong tại chỗ, 3 người được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vinh, 2 người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 1 người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức, còn lại nhiều người bị thương được sơ cứu tại chỗ./.
Tàu chở hàng đứt toa, đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn gần nửa giờ
Tai nạn đường sắt: “Mất bò mới lo làm chuồng”!
Lãnh đạo đường sắt chưa nhận trách nhiệm sau 5 vụ tai nạn chết người!
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm về các vụ tai nạn đường sắt
Tổng kiểm tra toàn diện nhân viên đường sắt sau 4 vụ lật tàu